Tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ em
Trong những năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì ổn định và đẩy mạnh, hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trước những thông tin bất lợi về hàng loạt các phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin xảy ra (vắc xin “5 trong 1” Quinvaxxem, Viêm gan B sau sinh trong 24 giờ) đã làm cho người dân, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ đang trong thời điểm tiêm chủng hoang mang, lo lắng.
Có những bà mẹ để bảo đảm an toàn tuyệt đối, đã không đưa con đi tiêm chủng theo chương trình TCMR. Chị Hà Thị Hiền (thường trú tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) cho con chích ngừa vắc xin 5 trong 1 được hai mũi thì có thông báo là tạm ngưng. Khi biết Bộ Y tế tiếp tục cho tiêm vắc xin này trở lại thì chị rất lo ngại, không yên tâm đưa con đi chích mũi còn lại. Mang tâm trạng tương tự như chị Hiền, chị Trần Thị Hồng (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) năm nay đã 35 tuổi, đang mang thai tháng thứ 9 cũng khá băn khoăn: “Tôi không biết phản ứng sau khi tiêm vắc xin của 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị có nguyên nhân do đâu, nên vẫn cảm thấy e ngại về việc tiêm vắc xin. Gần đến ngày sinh con mà tôi vẫn không biết có nên tiêm viêm gan B cho con trong vòng 24 giờ đầu sau sinh không bởi tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con mình…”.
Cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn cho gia đình theo dõi sức khỏe của bé sau tiêm phòng. Ảnh: Tuấn Anh |
Giải đáp những thắc mắc của các bà mẹ, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện nay công tác TCMR ở các cấp từ tỉnh đến huyện, xã là tương đối tốt; tỷ lệ tiêm chủng hằng năm đều đạt trên 95%. Và cho đến bây giờ, tỉnh ta chưa xảy ra một phản ứng nào sau tiêm chủng mà gây tử vong. Số đối tượng được tiêm chủng cơ bản đã loại trừ được uốn ván sơ sinh, bại liệt và đang tiến tới loại trừ bạch hầu, ho gà. Đối với cơ sở vật chất trong công tác tiêm chủng, chúng ta có một hệ thống truyền dịch, truyền lạnh bảo đảm từ tỉnh đến huyện, xã và cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng theo tình hình chung hiện nay. Về nhân lực, cho đến nay toàn bộ những cán bộ tham gia công tác tiêm chủng đều đã được tập huấn kỹ năng tiêm chủng, đặc biệt là được tập huấn Quyết định 23/2008/QĐ-BYT ngày 7-7-2008 của Bộ Y tế về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Công tác kiểm tra giám sát được ngành Y tế thực hiện thường xuyên kiểm tra đột xuất và liên tục. Đồng thời, ngành Y tế tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo sát sao các bộ phận liên quan trong ngành kiểm tra, chấn chỉnh tất cả các hoạt động liên quan đến tiêm chủng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; chỉ đạo bàn bạc thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng vắc xin từ nơi sản xuất đến nơi sử dụng; thực hiện một tuần tiêm chủng thay cho một ngày tiêm chủng để bảo đảm hiệu quả sau tiêm với mỗi buổi tiêm chủng không quá 50 trẻ/buổi…”.
Hiện nay, 8 loại vắc xin được tiêm cho trẻ em miễn phí là: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt và viêm não Nhật Bản. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được tiêm phòng uốn ván, ngoài ra còn tiêm phòng trong các trường hợp đặc biệt như: tiêm uốn ván cho những người có nguy cơ uốn ván như: dẫm phải mảnh chai, đinh, sắt...; tiêm vắc xin phòng dại cho một số người nghi bị chó dại cắn; tiêm dịch vụ cho một số loại bệnh như: rubela, cảm cúm...
Tuy nhiên, dự tính tỷ lệ TCMR từ nay đến cuối năm có thể giảm vì sau những phản ứng sau tiêm vắc xin xảy ra, người dân vẫn còn mang tâm trạng hoang mang, lo lắng. Bác sĩ Lào cũng cho biết: “Theo quy định, tỷ lệ tiêm chủng hằng năm phải đạt trên 90% thì mới giải quyết được vấn đề bệnh tật, tuy nhiên hiện nay vắc xin “5 trong 1” đang tạm ngưng và đến tháng 9-2013 Bộ Y tế mới tiếp tục cho tiêm trở lại. Điều lo lắng nhất là với tình hình này, từ nay đến cuối năm, nếu tỷ lệ tiêm chủng không đạt được một mức độ nhất định thì các bệnh truyền nhiễm sẽ không bảo đảm được và việc bùng phát thành dịch là nguy cơ rất lớn”. Một minh chứng rất rõ ràng là những bệnh mà trước đây chưa có vắc xin trong chương trình TCMR, tỷ lệ mắc và tử vong rất cao; nhưng khi chúng ta đã sử dụng cho đồng loạt trẻ em và các đối tượng khác thì tình trạng này hầu như rất hiếm gặp. Theo thống kê ngành Y tế, Việt Nam là nước có tỷ lệ phụ nữ nhiễm viêm gan B cao, khoảng từ 8-10%, như vậy nếu như không tiêm viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B cũng sẽ khoảng 8-10%.
Có thể khẳng định, tiêm chủng là việc làm hết sức cần thiết nhằm tạo miễn dịch cơ bản phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ, hạn chế được các di chứng nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp chống chỉ định với việc tiêm chủng như: khi trẻ bị sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi...), viêm da mủ, chàm ngoài da, lao, phổi, tràn dịch màn phổi, viêm thận mạn tính... Vì vậy, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc phụ huynh nên thông báo cho nhân viên y tế tình trạng sức khỏe của con em mình để cán bộ y tế cân nhắc trước khi tiêm hoặc hoãn lịch tiêm. Quan trọng hơn nữa là cán bộ y tế cần hướng dẫn, tư vấn cho gia đình các bé theo dõi sức khỏe của bé sau tiêm, nếu có những triệu chứng bất thường cần đưa ngay đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý, điều trị.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc