Chất lượng phân bón cây trồng: Khó phân biệt thật, giả
Nông dân trên toàn tỉnh đang bước vào sản xuất vụ mùa 2014, nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao, kéo theo nhiều nỗi lo về chất lượng của mặt hàng này.
Vẫn còn nhiều vi phạm
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có hơn 1.100 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón. Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng cung ứng phân bón ra thị trường không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng theo quy định, một số đại lý tự ý pha trộn, nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán lại để trục lợi, khiến bà con nông dân bị thiệt thòi. Để từng bước chấn chỉnh tình trạng đó, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vụ kinh doanh phân bón giả, vi phạm về nhãn mác hàng hóa... Riêng năm 2013, qua kiểm tra 17 đại lý kinh doanh đã phát hiện 12 vụ vi phạm, tịch thu gần 30 tấn phân, 18 bao bì các loại, tiến hành xử phạt hành chính 74 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là vụ bắt quả tang xe tải mang biển kiểm soát 47P- 0204 do tài xế Nguyễn Kim Thành vận chuyển 100 bao (loại 50 kg/ bao) phân giả và 1 tấn phân bón N. P. K (hàng nhập từ Philippin, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt) từ TP. Hồ Chí Minh về đang nhập lại cho một đại lý tại Dak Lak. Hay như việc phát hiện đại lý phân bón Thu Hoạch và hộ Phạm Văn Nho (huyện Ea H’leo) kinh doanh gần 29 tấn phân bón hiệu Dung Quất NPK Humic chưa có tên trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Theo ông Giao Thanh Tùng - Chi cục Phó Chi cục QLTT tỉnh, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, số lượng lớn phân bón trên sẽ bị tuồn ra thị trường và nông dân là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Tiến hành kiểm tra chất lượng phân bón kinh doanh trên thị trường. |
Điều đáng nói là mặc dù đã có quy định, chế tài xử phạt khá mạnh để răn đe, nhưng tình trạng vi phạm trong lĩnh vực phân bón vẫn diễn ra. Được biết, theo Nghị định 163/2013 NĐ-CP, ngày 12-11-2013 (mới nhất) quy định phạt đến 100 triệu đồng nếu kinh doanh phân bón kém chất lượng. Cụ thể, kinh doanh phân bón đã quá hạn sử dụng, phạt 30-40 triệu đồng; nhập khẩu phân bón không đạt quy chuẩn của Việt Nam, mức phạt 20-30 triệu đồng; phạt 90-100 triệu đồng nếu sản xuất, gia công phân bón không đạt mức chỉ tiêu định lượng bắt buộc theo công bố, quy chuẩn quốc gia...
Khó phân biệt thật - giả
Ai cũng biết phân bón giả, không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất. Thế nhưng, bằng mắt thường, để phân biệt chất lượng phân bón thì đến ngay cả lực lượng chức năng cũng… đành bó tay (!) Theo ông Lương Tiến Dũng, Đội phó Đội QLTT số 1, chỉ có cách phân biệt duy nhất là lấy mẫu đem đi phân tích, trong khi chủng loại phân bón thì quá đa dạng, với khoảng 4.000 loại nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, cùng hơn 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón trên phạm vi cả nước, nên rất khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong việc kiểm định, phân tích…
Với lực lượng chức năng đã vậy, đối với nông dân lại càng khó khăn hơn. Nhiều lão nông trong tỉnh, dù đã 30-40 năm gắn bó với nghề nông, sử dụng nhiều loại phân hóa học khác nhau, nhưng vẫn không thể phân biệt được đâu là phân bón thật - đâu là giả. Hơn 30 năm gắn bó với ruộng vườn, lão nông Võ Công Hùng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) có 12 ha điều và 3 ha cà phê cho biết: bằng mắt thường rất khó phát hiện được phân bón giả, chỉ đến khi mua về sử dụng, sau một thời gian thấy cây không phát triển thì mới biết là mua phải phân bón kém chất lượng. Tương tự, anh Nguyễn Phương - nông dân thôn Tân Tiến, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ cũng than: đi mua phân bón bây giờ cũng rất… đau đầu, bởi trên thị trường có quá nhiều loại và đủ mức giá, từ hàng trong nước sản xuất đến hàng nhập từ Na Uy, Philippin, loại nào cũng được người bán quảng cáo là chất lượng tốt, nhưng người mua khó có thể kiểm định…
Vẫn biết vấn nạn phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính, nhất là khi vào vụ chăm bón cho cây, nhu cầu sử dụng lớn càng tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh phân bón kém chất lượng có cơ hội gia tăng nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan QLTT chuyên trách. Tuy nhiên, theo cơ quan này thì trong quá trình tác nghiệp, lực lượng QLTT chủ yếu tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón, về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về hóa đơn, chứng từ, nhãn hàng hóa… Nghĩa là chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hành chính đơn thuần chứ không đi sâu vào chất lượng phân bón nếu không thấy có dấu hiệu vi phạm. Chỉ khi nào cơ sở kinh doanh vi phạm mới tiến hành tạm giữ hàng hóa và lấy mẫu gửi đi phân tích chất lượng. Chưa kể, NĐ 163/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón cũng tồn tại một số bất cập như lực lượng QLTT không có thẩm quyền kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất phân bón mà phải báo trước 3 ngày… Với thời gian đó, đủ để các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng xóa hết dấu vết vi phạm.
Trong khi việc ngăn chặn nạn phân bón kém chất lượng vẫn còn gặp không ít khó khăn, bản thân người tiêu dùng khi chọn mua phân bón nên chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì; tốt nhất nên chọn mua những sản phẩm đã có uy tín lâu năm trên thị trường tại các đại lý tin cậy. Đặc biệt, để tự bảo vệ quyền lợi cho mình, bà con cần tạo thói quen lấy và giữ lại hóa đơn, chứng từ mua bán đầy đủ để có cơ sở khiếu kiện sau này, nếu phát hiện vi phạm.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc