Công tác bảo đảm An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" (Kỳ III)
Kỳ cuối: Giải pháp nào cho công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ
Với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 16 - năm 2014 hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, hành động của doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội trong thực hiện ATVSLĐ - PCCN. Và để xây dựng được “văn hóa an toàn” trong doanh nghiệp rất cần sự nỗ lực, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền
Xác định việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động là “chìa khóa” trong thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN nên hằng năm Ban Chỉ đạo của tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ - PCCN. Sở LĐTBXH cũng đã in sao đĩa CD tuyên truyền về ATVSLĐ cấp cho các huyện, thị xã, thành phố để phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của địa phương. Trên các trục đường chính các huyện, thị xã, thành phố và trụ sở làm việc của các sở, ngành, doanh nghiệp đều treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động, hưởng ứng Tuần lễ.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN. Năm 2013, đã tiến hành kiểm tra tại 18 doanh nghiệp về ATVSLĐ - PCCN. Cùng với đó, các ngành y tế, xây dựng, công thương, NN-PTNT cũng đẩy mạnh thanh kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp tại 160 doanh nghiệp; việc chấp hành các quy định trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 7 đơn vị khai thác khoáng sản; ATVSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp tại 42 doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, các cuộc diễn tập kỹ thuật an toàn và phòng cháy chữa cháy, vận động dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại nơi làm việc.
Kiểm tra công tác an toàn lao động tại Công ty TNHH Khoáng sản Tài Phát. |
Riêng cấp huyện đã kiểm tra ATVSLĐ tại 81 doanh nghiệp; 40 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất được tiến hành đo và giám sát môi trường lao động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh: do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng, trong khi số lượng doanh nghiệp trên địa bàn lớn nên việc kiểm tra, giám sát an toàn lao động, PCCN gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng chỉ có thể kiểm tra khoảng 25 doanh nghiệp; còn lại phải yêu cầu các huyện thành lập đoàn kiểm tra nhằm góp phần chấn chỉnh công tác ATVSLĐ - PCCN tại doanh nghiệp trên địa bàn.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Quang Trường, để thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ - PCCN, thời gian tới ngành sẽ yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, PCCN và quy định về bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp về an toàn lao động và PCCN, khuyến khích các doanh nghiệp tự kiểm tra theo hướng dẫn, tự phát hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định về ATVSLĐ - PCCN. Người lao động cũng cần tự bảo vệ bằng cách chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATVSLĐ - PCCN, tránh để xảy ra tai nạn, rủi ro cho bản thân. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp chưa thực hiện quy trình bảo đảm an toàn lao động, người lao động đề xuất với tổ chức công đoàn yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi cho mình.
Thiết nghĩ, các biện pháp được ngành lao động đề ra như trên là rất cần thiết, nhưng để thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ - PCCN, hạn chế tối đa các vụ tai nạn lao động, cháy nổ thì rất cần sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trước mắt, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào việc rà soát, dỡ bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ và trang bị bảo hộ lao động, phương tiện, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, công nhân, lao động trong tỉnh. Về lâu dài, cần khắc phục tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án “bảo đảm an toàn” trong hồ sơ cấp phép sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xem xét, bổ sung và hoàn thiện các giải pháp “bảo đảm an toàn” đối với các doanh nghiệp đã cấp phép và đang hoạt động, nhất là những ngành nghề có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao; chấn chỉnh công tác tuyển dụng nhân sự, yêu cầu người lao động được tuyển phải có nghề, được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn công tác ATVSLĐ - PCCN. Đồng thời, các cấp, ngành liên quan cần thắt chặt quản lý, có những biện pháp xử lý đối với những đơn vị không nghiêm túc thực hiện quy định về ATVSLĐ - PCCN. Yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động, giám sát và nhắc nhở thực hiện các quy định. Đối với người lao động cũng phải tự giác chấp hành, tích cực tuyên truyền người thân, đồng nghiệp cùng thực hiện tốt công tác này. Có như vậy mới bảo đảm được môi trường lao động an toàn, hiệu quả.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc