Multimedia Đọc Báo in

Cầu treo dân sinh bị... "treo" vì thiếu đường vào

07:11, 10/10/2015

Thực hiện Đề án 186 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến nay, toàn bộ 9 cây cầu treo dân sinh được đầu tư xây dựng tại Đắk Lắk (cụ thể là tại các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Ana, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ) đã lần lượt hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui của đông đảo người dân. Tuy nhiên, nhiều công trình hiện vẫn chưa có đường dẫn vào cầu, gây không ít phiền hà, bất cập…

Niềm vui trên những nhịp cầu

Từ ngày cây cầu treo kiên cố qua suối Tân Hà, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) làm xong, người dân nơi đây rất phấn khởi. Khi đi làm nương rẫy, nhất là vào mùa mưa lũ, bà con không còn phải nơm nớp lo sợ bị nước cuốn trôi mất cầu tạm như trước đây nữa. Ông Phạm Viết Hưng, trú tại thôn Tân Hà 1 cho biết, hiện có khoảng 300 ha rẫy của người dân phường Thống Nhất nằm bên kia con suối Tân Hà. Từ nhiều năm trước, bà con đã tự góp tiền làm một cầu treo bằng gỗ tạm bợ rộng chừng 70 cm để đi qua suối. Mỗi lần qua cầu chỉ được 1 người, nếu có thêm xe máy thồ nông sản thì phải rón rén nhẹ nhàng, nếu không cẩn thận sẽ rơi xuống suối. Theo ông Hưng, từ khi có chiếc cầu treo kiên cố, việc qua lại của người dân rất an toàn, không còn cảm giác bị đánh võng, lắc lư như cầu tạm.

Cầu treo dân sinh tại thôn Tân Hà 4, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ).
Cầu treo dân sinh tại thôn Tân Hà 4, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ).

Theo Đề án 186, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) được đầu tư xây dựng 2 cầu treo kiên cố tại thôn 7 và thôn 8 bắc qua suối Ea M’roh. Ông Đoàn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Huar cho hay, có khoảng 1.000 ha đất rẫy của người dân thôn 7 và 8 nằm bên kia suối Ea M’roh. Trước đây, người dân phải sử dụng cáp treo đu người qua sông để đi làm rất nguy hiểm. Khi vận chuyển nông sản cũng sử dụng cáp treo buộc từ đầu bên này kéo qua bên kia. Biết là nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, song vì đời sống của bà con phần lớn phụ thuộc vào nương rẫy nên người dân nơi đây vẫn phải đu mình qua sông. Đầu năm 2015, hai chiếc cầu treo tại thôn 7, 8 đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng thì việc qua lại nương rẫy trở nên thuận lợi hơn hẳn. Người dân có điều kiện chăm sóc, đa dạng hóa cây trồng để phát triển sản xuất. Trước đây, bà con chỉ độc canh cây cà phê, nhưng do điều kiện qua lại vận chuyển phân bón khó khăn nên năng suất kém, chỉ từ 2-2,5 tấn/ha. Nay nhờ có cầu mới, điều kiện vận chuyển phân bón thuận lợi nên việc chăm sóc cà phê được chu đáo hơn. Những khoảng đất trống ven bờ thửa, bà con còn tận dụng để tỉa ngô, trồng đậu tăng thêm thu nhập; một vài hộ đã bắt đầu trồng xen canh cây lâu năm như bơ, sầu riêng trong rẫy cà phê để phát triển đa dạng hóa cây trồng.

Nhiều cầu treo bị... “treo”

Xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) được triển khai thi công 2 cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Bông (chiều dài mỗi cầu khoảng 80 m) tại các thôn 2 và 6. Cầu treo thôn 6 đã đưa vào sử dụng từ 3 tháng trước, còn cầu thôn 2 hiện đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Võ Châu Thắng, cán bộ quản lý giao thông thủy lợi xã Hòa Lễ, cầu đã được đầu tư làm xong nhưng vẫn chưa có đường vào, gây nên nhiều bất cập. Muốn qua cầu sang sông làm rẫy phải đi tắt ngang qua rẫy của một số người dân hai bên đầu cầu. Cụ thể, muốn đến cầu thôn 6, người dân phải băng qua rẫy chừng 700 m, còn cầu thôn 2, cách khu dân cư khoảng 2 km. Ông Thắng cho hay, theo ý kiến của người dân trong xã thì họ sẵn sàng hiến đất để làm đường. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện bố trí vốn, lập dự án quy hoạch các đường vào cầu treo dân sinh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ông Nguyễn Duy Hoài, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn cho hay: Địa bàn huyện Buôn Đôn có 4 cây cầu treo được Bộ GTVT đầu tư xây dựng. Hiện nay mới chỉ có 2 cầu tại thôn 7, 8 xã Ea Huar là có đường dẫn vào. Tuy nhiên, đây chỉ là những lối mòn nhỏ men theo bờ phân cách giữa các lô cà phê của người dân. Mùa nắng thì có thể qua lại được, nhưng khi trời mưa, đường lầy lội không đi nổi. Còn lại 2 cây cầu tại thôn 8 và thôn Ea Kly của xã Ea Wer hiện vẫn không có đường đi vào cầu. Muốn mở đường thì phải có vốn giải phóng mặt bằng và bồi thường cho các hộ dân có đất rẫy ở hai bên đầu cầu. Hiện nay ngân sách địa phương không đủ để thực hiện việc giải phóng mặt bằng và thi công làm đường. Một số nguồn vốn từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134, 135… thì rất hạn chế, nếu có cũng chỉ tập trung đầu tư cho một số tuyến đường nội thôn, buôn nơi đông dân cư. Trước mắt, để giúp người dân có đường đi qua cầu, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với chính quyền các xã Ea Wer, Ea Huar vận động những gia đình có đất hai bên đầu cầu cho bà con đi nhờ qua rẫy. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Huyện rất mong có sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh phần nào về vốn, và huyện sẽ kêu gọi, vận động người dân cùng đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường, để việc đi lại của bà con thuận lợi hơn.

Ông Tô Quang Dịnh, Phó Phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT) cho biết, theo Đề án 186 thì chỉ đầu tư xây dựng cầu treo kiên cố cùng 10 m đường đầu cầu tính từ đuôi mố neo, phần còn lại do địa phương bố trí vốn để làm đường. UBND tỉnh đã có văn bản số 4292/UBND-CN ngày 23-6-2014 về việc phối hợp thực hiện các công trình cầu treo do Bộ GTVT đầu tư, trong đó, giao UBND các huyện, thị xã triển khai vốn làm đường kết nối tại hai đầu cầu treo thuộc địa phương mình quản lý. Sở GTVT cũng có nhiều văn bản đôn đốc các huyện, thị xã thực hiện. Tuy nhiên, đến nay các địa phương triển khai chậm, hầu hết các cầu treo kiên cố sau khi đã hoàn thành đều không có đường vào hoặc đường vào quá nhỏ, gây khó khăn, bất cập cho việc đi lại của người dân.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.