Chung tay hỗ trợ nguồn lực chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật
Bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội. Nhân Ngày Bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam (18-4), Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ VÂN, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh xung quanh vấn đề này.
Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Nguyễn Thị Vân thăm hỏi, động viên, tặng quà người khuyết tật trên địa bàn tỉnh |
* Thời gian qua, Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có gần 100 nghìn người khuyết tật, trong đó có trên 25.000 người khuyết tật nặng, phần lớn sinh sống tại gia đình thuộc hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nhiều người còn mặc cảm, tự ti, không biết chữ và chưa có việc làm.
Năm 2008 UBND tỉnh đã quyết định thành lập Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồi côi tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5-2010. Đến nay, toàn tỉnh có 8 Hội huyện, thị xã, 1 hội thị trấn, 1 chi hội trực thuộc tỉnh với tổng số 1.665 hội viên. Thời gian qua, Tỉnh hội và các Hội cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 15,7 tỷ đồng.
Nhờ có nguồn lực này, Hội đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người khuyết tật như: hỗ trợ phẫu thuật thay thủy tinh thể, tim, phục hồi chức năng, lắp tay, chân giả miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp, xe đạp, học bổng, xây dựng nhà Tình thương, giếng nước; tổ chức thăm, trao tặng hàng nghìn suất quà, suất ăn miễn phí cho các đối tượng.
Gia đình anh Y Kla Mlô ở buôn Né (xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ) được Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ bò phát triển sản xuất |
* Hỗ trợ sinh kế là họat động thiết thực nhất, được người khuyết tật quan tâm, kết quả chương trình này như thế nào, thưa bà ?
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 của Chính phủ, Tỉnh hội đã triển khai thực hiện 20 đề án tại 21 xã trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Người khuyết tật và trẻ mồ côi tại các xã này được hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình cấp nước, vệ sinh, tặng học bổng, xe đạp, vốn trồng trọt, giống vật nuôi… Qua đó đã tạo sinh kế, cơ hội “an cư”, học hành, phát triển sản xuất cho người khuyết tật; đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật và góp phần thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới như giảm hộ nghèo, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự xã hội…
* Vấn đề đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa lớn trong công tác an sinh xã hội, nhưng vì sao tại tỉnh ta hiện nay công tác này đang gặp không ít khó khăn?
Các cấp, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhưng người khuyết tật vẫn chưa “mặn mà” với việc học nghề.. Nguyên nhân là do đa số người khuyết tật đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình, mang nặng tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin nên ngại đi xa . Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có trung tâm và đội ngũ giáo viên đào tạo nghề chuyên biệt dành riêng cho người khuyết tật mà chủ yếu là dạy lồng ghép nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, vấn đề việc làm cho người khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn e ngại nhận người khuyết tật vào làm việc.
Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh gặp mặt, tặng quà người khuyết tật nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18-4) |
* Để giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, thời gian tới hội sẽ tập trung vào những hoạt động nào, thưa bà?
Việc đầu tiên Hội cần tập trung chính là công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên, phấn đấu đến cuối năm 2017 có thêm ít nhất 2 đơn vị Hội cấp huyện được thành lập, phát triển thêm 200 hội viên. Bên cạnh đó, Tỉnh hội sẽ chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát, nắm chắc số lượng, nhu cầu của người khuyết tật, trẻ mồ côi ở từng địa phương để có kế hoạch, biện pháp giúp đỡ hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khơi dậy lòng nhân ái của toàn xã hội chung tay trợ giúp người khuyết tật; tham quan, học tập các mô hình, đề án hỗ trợ sinh kế của các tỉnh bạn nhằm định hướng, giúp đỡ người khuyết tật xây dựng chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Bên cạnh sự nỗ lực đó, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đóng góp, ủng hộ cả vật chất, tinh thần để Hội có thêm nguồn lực hỗ trợ, chăm lo, cải thiện đời sống và giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
* Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc