Multimedia Đọc Báo in

"Tơi tả" những tuyến đường huyết mạch ở Krông Bông

15:15, 15/05/2017

Huyện Krông Bông có 2 tuyến đường huyết mạch là tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 12 đều đang xuống cấp trầm trọng.

Tỉnh lộ 9 nối huyện Krông Pắc với Krông Bông có chiều dài 27 km, được cải tạo nâng cấp qua các năm 2001 – 2003 và 2003 – 2005 theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, kết cấu áo đường đá dăm láng nhựa. Đến nay, sau nhiều năm đưa vào khai thác, tuyến đường đã trở nên “tơi tả”. Do khó khăn về vốn nên dù đường đã hư hỏng nặng nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể triển khai sửa chữa. Còn tỉnh lộ 12 nối Quốc lộ 27 với thị trấn Krông Kmar và các xã cánh đông của huyện Krông Bông, hằng ngày, lưu lượng xe qua lại rất đông nên có nhiều đoạn hư hỏng nặng. Mặc dù Nhà nước đã đầu tư sửa chữa nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, đường chưa sửa xong đã hỏng vì nhiều lý do.

Theo quan sát của chúng tôi, dọc theo tỉnh lộ 12, có rất nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc hết lớp nhựa, chi chít ổ gà gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt là đoạn đường từ xã Hòa Lễ đi xã Cư Đrăm, đoạn qua xã Ea Trul... Ông Tâm, một người dân sống ở thôn 9, xã Hòa Lễ cho biết, sau mùa mưa lũ năm 2016, tỉnh lộ 12 đoạn qua địa bàn thôn bị sạt lở, hư hỏng nặng. Không những mặt đường bị bong tróc, sụt lún mà đất hai bên đường cũng bị cuốn trôi hết khiến việc đi lại rất khó khăn. Cũng chính vì vậy mà tuyến đường này thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn, va quẹt giao thông…

Đoạn đường qua thôn 6, xã Hòa Thành bị cày xới tơi tả.
Đoạn đường qua thôn 6, xã Hòa Thành bị cày xới tơi tả.

 

 
“Những con đường ở Krông Bông xuống cấp chủ yếu là do quá tải. Trong khi đó, các ngành chức năng huyện còn gặp khó khăn trong xử lý các phương tiện quá tải lưu thông trên địa bàn vì không có cân trọng tải. Chúng tôi đã có đề xuất lên Sở Giao thông - Vận tải xin cấp cân xách tay tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phê duyệt” 
 
Ông Trịnh Hồng Long, Đội phó Đội CSGT, Công an huyện Krông Bông

Còn tại xã Hòa Thành, tuyến đường liên xã nối tỉnh lộ 9 với xã Ea Hu (huyện Cư Kuin) cũng xuống cấp một cách chóng mặt trong mấy tháng đầu năm 2017. Trên tuyến đường ngày càng xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà; nhiều đoạn mặt đường bị cày xới lởm chởm đá. Người dân phải men theo lối mòn bên lề đường để đi… Ông Nguyễn Văn Đà (thôn 6, xã Hòa Thành) cho rằng, nguyên nhân chính khiến con đường này xuống cấp như hiện nay là do xe tải lưu thông quá nhiều. Đặc biệt là sau khi cầu Cư Păm (nối xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty) sụt lún trong đợt mưa lũ tháng 11-2016 vừa qua thì một lượng xe tải lớn đổ về lưu thông khiến con đường này phải “oằn mình” gánh chịu và ngày càng “tan nát”. Trong khi tuyến đường này chỉ cho phép trọng tải từ 10-13 tấn nhưng có khi xe tải lớn 30-40 tấn vẫn đi lại đêm ngày.

Theo ông Đinh Vạn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Bông, tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 12 bị xuống cấp đã lâu, tuy nhiên do không có nguồn vốn bảo trì bảo dưỡng nên ngày càng hư hại nặng hơn. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền và trong các đợt tiếp xúc cử tri. Hiện tại, tỉnh lộ 9 đã được UBND tỉnh đưa vào dự án cải tạo, nâng cấp trong danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Được biết, trả lời phản ánh của cử tri hai huyện Krông Pắc và Krông Bông, UBND tỉnh cho biết, kế hoạch năm 2016 Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã bố trí 6,25 tỷ đồng giao Sở Giao thông - Vận tải tiến hành hồ sơ, thủ tục để thi công sửa chữa tỉnh lộ 9 và tỉnh lộ 12 trong quý IV năm 2016. Tuy nhiên không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được triển khai.  

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.