Multimedia Đọc Báo in

Mất đất vì sạt lở bờ sông

09:52, 28/08/2017

Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã lấy đi nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của một số hộ dân ở Tổ tự quản số 3, xã Ea R’bin, huyện Lắk.

Sống chung với… sạt lở!

Người dân ở đây cho biết, trước đây lòng sông rất hẹp, có thể lội bộ qua nhưng vài năm trở lại đây tình trạng sạt lở xảy ra liên tục với tốc độ ngày càng nhanh, lòng sông đã được mở rộng thêm vài chục mét mỗi bên, lấy đi nhiều diện tích đất ở và sản xuất của bà con sống ven sông. Từ đầu năm đến nay, bờ sông tại khu vực này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ dân, với khoảng 30.000 m2 đất.  Trong đó, 9 hộ có nhà cách bờ sông chỉ từ 5-7 mét, có nguy cơ mất an toàn cao, cần phải di dời ngay trước mùa mưa bão. Hiện nhiều diện tích trồng ngô sắp thu hoạch của người dân tiếp tục bị vùi lấp xuống lòng sông.

Gia đình ông Nguyễn Khương Phú Huynh có hơn 3,6 ha đất gần bờ sông chủ yếu trồng ngô, nhưng hơn 4 năm trở lại đây tình trạng sạt lở đã khiến cho 2,5 ha đất bị cuốn trôi theo dòng nước. Gần đó là nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Liệu đã 2 lần bị rơi xuống sông khi chưa kịp di dời. Đợt này ông đã làm nhà lùi sâu vào đất canh tác khoảng 100 mét nhưng vẫn không khỏi lo lắng khi tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nhanh và liên tục hơn.

Bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào khu vực nhà ở và diện tích hoa màu của người dân.
Bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào khu vực nhà ở và diện tích hoa màu của người dân.

Không chỉ gia đình ông Khương, ông Liệu mà hàng chục hộ dân khác ở Tổ tự quản số 3 cũng đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì đất sản xuất của họ ngày càng bị thu hẹp bởi nạn sạt lở. Được biết, trước đây nhà của người dân đều được xây dựng cách bờ sông từ 20-30 mét nhưng chỉ qua vài năm, đất bị sạt lở là nhà lại nằm ngay sát bờ sông.

Vì đâu sạt lở?

Theo người dân, có nhiều nguyên nhân gây nên sạt lở bờ sông. Trước hết, là là do quá trình vận hành của Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Buôn Tua Srah (thuộc Công ty thủy điện Buôn Kuốp) làm thay đổi mực nước sông. Mỗi lần sạt lở, người dân cũng chỉ biết nhờ chính quyền địa phương can thiệp, phía NMTĐ cũng nhận trách nhiệm và nhiều lần tiến hành đền bù cho người dân. Theo đó, từ khi NMTĐ đi vào hoạt động (tháng 4-2012) đến tháng 7-2017 đã thực hiện 5 đợt bồi thường hỗ trợ (BTHT) trong đó đã chi trả được 3 đợt cho 82 lượt hộ với tổng diện tích là 13,4 ha, tương ứng với số tiền là 6,54 tỷ đồng; còn đợt 4 và 5 đang trong quá trình đo đạc, kiểm kê và lập phương án BTHT.

Ông Đặng Tấn Phúc, Phó phòng Kỹ thuật Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết: Từ khi NMTĐ Buôn Tua Srah đi vào hoạt động đến nay, Công ty đã  5 lần cắm mốc khoanh vùng có nguy cơ sạt lở; đo đạc, kiểm kê hiện trạng cũng như lập phương án BTHT cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Riêng trong đợt 5 này, 9 hộ dân có nhà nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn xác định sơ bộ biên phòng ngừa sạt lở, lập khái toán làm cơ sở cho người dân tạm ứng trước tiền BTHT để di dời đến nơi ở mới. Sau đó, phương án BTHT chính thức sẽ được xây dựng và trình phê duyệt theo quy định hiện hành. Về phía Công ty cũng đã áp dụng biện pháp hạn chế tối đa việc thay đổi công suất của tổ máy và số lần chạy, ngừng máy hàng ngày của NMTĐ để giảm biến động mực nước sông ở hạ lưu.

Nhiều căn nhà chỉ còn cách bờ sông chưa đầy 1 mét.
Nhiều căn nhà chỉ còn cách bờ sông chưa đầy 1 mét.

Cũng theo ông Phúc, ngoài nguyên nhân do quá trình vận hành NMTĐ thì còn có các nguyên nhân khác gây nên như: địa chất nền yếu (chủ yếu là đất pha cát), hoạt động tái tạo tự nhiên của con sông “bên lở bên bồi”. Bên cạnh đó, còn phải kể đến hoạt động khai thác cát thường xuyên tại khu vực này. Hiện có ít nhất 5 đơn vị, doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác trên 50 km đường sông này, trong đó, có nhiều đơn vị được phép khai thác với chiều dài khá lớn ở cả địa phận  tỉnh Đắk Lắk lẫn Đắk Nông. Ngoài ra, theo ghi nhận của người dân và UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông) thường xuyên có 10-15 tàu vẫn tổ chức khai thác cát trái phép 2 bên bờ sông, thậm chí chọc thẳng vào đất sản xuất của người dân để lấy cát. Chính tình trạng khai thác cát quá mức, không theo quy hoạch đã làm lòng sông sâu thêm, mực nước xuống thấp gây nên sạt lở bờ sông.

Với những nguyên nhân trên, tình trạng sạt lở bờ sông sẽ vẫn tiếp tục diễn ra thì việc bảo đảm tính mạng cũng như vấn đề bố trí đất sản xuất, sinh kế cho người dân tại đây cần được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết kịp thời. 

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.