Multimedia Đọc Báo in

Người dân Ea R'bin mong sớm đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nội đồng

07:44, 11/09/2017
Cánh đồng hồ Ea R’bin rộng 1.300 ha, là nơi canh tác của người dân 5 buôn trên địa bàn xã Ea R’bin (huyện Lắk). Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường giao thông nội đồng trên đều là đường đất. 
 
Được biết, hằng năm người dân đều phải đóng góp công sức, tiền của mua đất đá lấp ổ voi, ổ gà; thuê máy ủi để san gạt mặt đường thì mới có thể đi lại được. Thế nhưng chỉ sau cơn mưa, con đường lại bị hư hỏng nặng, trở nên lầy lội, trơn trượt, mặt đường chi chít những hố sâu, nhiều chỗ bị ngập nước khiến cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân càng trở nên khó khăn hơn. Việc xe máy, xe công nông không thể đi được phải quay đầu, mắc kẹt trong vũng lầy mọi người phải tập trung khiêng hoặc phải thuê xe tời, máy múc kéo lên xảy ra như cơm bữa. Để có thể di chuyển được trên tuyến đường này, người dân phải thay lốp của những chiếc xe công nông bằng những bánh lồng sắt. Vào mùa khô, đường bụi mù mịt nhưng vẫn đi lại được, còn mùa mưa thì người dân phải để xe máy ngay trên đường hoặc gửi ở xóm ngoài rồi lội bộ vào nơi canh tác. 
Đường nội đồng ở xã Ea Rbin trong mùa mưa.
Đường nội đồng ở xã Ea R'bin trong mùa mưa.

Vì đường khó đi nên giá thuê nhân công và phí vận chuyển nông sản cũng bị đội lên cao. Có nhiều gia đình không có tiền thuê xe chở, phải vác từng bao lúa, bao bắp về nhà, thậm chí một số hộ có diện tích gieo trồng ít chỉ 1 -2 sào, nông sản thu về không đủ bù chi phí đầu tư nên bỏ luôn ngoài ruộng. Bên cạnh đó, nông sản thu hoạch thường bị thương lái ép giá. Anh Hà Hải Mạnh (buôn Phôk) tính toán: “Một năm, người dân gieo trồng được 3 vụ thì có đến 2 vụ trúng vào mùa mưa. Trước đây, mỗi chuyến xe có thể chở được từ 2-3 tấn nông sản, cần 3 người đi cùng để bốc vác nhưng nay chỉ chở được 10 bao/chuyến mà phải huy động đến 10 người để hỗ trợ nếu không may xe sụp hố, đã vậy công vận chuyển cũng tăng lên gấp đôi so với trước”.

Ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch xã Ea R’bin cho biết: “Xã có 2 tuyến đường giao thông nội đồng, có tổng chiều dài là 6,1 km. Hiện nay, xã đã được phân bổ kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới để bê tông hóa tuyến đường dài 1,6 km, đây cũng là con đường dân sinh của bà con làng Mông, nhưng đang chờ UBND tỉnh phê duyệt hạng mục công trình. Con đường còn lại dài 4,5 km chưa được đầu tư xây dựng. Là một xã vùng III còn nhiều khó khăn, rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện, giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận lợi hơn”.
 
Tuyết Mai

Ý kiến bạn đọc