Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" tiền trường đầu năm học

07:31, 13/09/2017

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học 2017-2018 được nhiều trường học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức trong 2 ngày (9 và 10-9), dư luận lại “nóng” lên vấn đề tiền trường.

Khoản thu mà phụ huynh có nhiều ý kiến là kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Mặc dù với tinh thần tự nguyện, được đưa ra bàn bạc, trưng cầu ý kiến, nhưng khoản thu này đã trở thành sự bắt buộc và năm học sau luôn cao hơn năm học trước. Khoản kinh phí đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh được dùng để duy trì một số hoạt động của lớp, như: thăm, tặng quà giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, ban giám hiệu nhân các ngày, lễ, Tết, chuyển công tác; khen thưởng học sinh có thành tích học tập tốt trong năm học; thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ; tổ chức liên hoan cho học sinh… Có một vài lớp học, do sử dụng kinh phí này không hợp lý dẫn đến tình trạng thu không đủ chi (âm quỹ hơn 1,2 triệu đồng) dù mỗi phụ huynh đã “tự nguyện” đóng góp 2 đợt là 800.000 đồng/học sinh. Vì vậy, tại buổi họp đầu năm học 2017-2018 ở trường nọ, một bậc phụ huynh nêu ý kiến: “Tôi nghĩ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cần tính toán, cân nhắc kỹ việc gì nên chi và chi với mức như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng năm học mới phụ huynh phải trả nợ cho năm học cũ…”. 

Bên cạnh đó, phụ huynh còn phàn nàn về các khoản thu tự nguyện và một số khoản thu mang tính chất vận động (thuê lao công vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, cây xanh…) của một số trường học. Tại một trường trung học cơ sở có tên tuổi ở nội thành Buôn Ma Thuột, vào đầu mỗi năm học ngoài các khoản thu khác, phụ huynh phải “tự nguyện” đóng tiền vệ sinh trường lớp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu “núp bóng” danh nghĩa hội phụ huynh. Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ở Đắk Lắk, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh các trường học. Tuy nhiên tại không ít trường học vẫn xảy ra tình trạng lạm thu.

Trước thềm năm học mới 2017-2018, Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 1038 hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu từ năm học 2017-2018 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; các phòng GD-ĐT; đơn vị trực thuộc và các cơ sở GD-ĐT trên địa bàn tỉnh. Một trong những nội dung Sở GD-ĐT lưu ý là khoản thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Sở GD-ĐT khẳng định, theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT, khoản thu này do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu theo tinh thần tự nguyện; trong đó nhấn mạnh“Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của  Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường”. Các trường học không được sử dụng khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh để hỗ trợ các hoạt động dạy học, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Bước vào năm học mới các bậc phụ huynh phải lo rất nhiều thứ cho con. Với những gia đình có điều kiện thì các khoản đóng góp nói trên là bình thường, nhưng với không ít gia đình còn khó khăn thì khoản đóng góp này lại trở thành gánh nặng và là nỗi ám ảnh. Các trường học cần thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT, chính quyền địa phương tăng cường vai trò giám sát chặt chẽ các khoản thu và Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phát huy vai trò của mình để các khoản đóng góp đầu năm học được sử dụng một cách hợp lý và không để xảy ra tình trạng lạm thu khiến nhiều phụ huynh bức xúc.  

Ninh Kiều


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.