Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư M'lan (huyện Ea Súp): Nan giải nạn dân di cư tự do xâm canh rừng, đất rừng trái phép

08:50, 06/07/2018

Những năm gần đây, dân di cư tự do (DCTT) ở các tỉnh phía Bắc đổ xô vào những khu vực rừng, đất lâm nghiệp do UBND xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) quản lý để phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp, dựng lán trại ở khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

UBND xã Cư M’lan được giao quản lý 4.266 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo thống kê mới đây của UBND xã, hiện đang có 163 hộ dân DCTD với 997 nhân khẩu cư trú trái phép trên một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp của địa phương.

Ông Phạm Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết, từ khoảng năm 2014, một vài hộ dân DCTD ở các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông đến khu vực này mua những diện tích nương rẫy của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ đã xâm canh trước đó để làm rẫy, sau đó họ lén lút đưa người thân vào phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để làm rẫy. Đặc biệt từ cuối năm 2017 đến nay, số lượng dân DCTD tăng nhanh, và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 60 hộ dân DCTD với 324 nhân khẩu đến đây.

Dân di cư tự do dựng lều trên rừng và đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp).
Dân di cư tự do dựng lều trên rừng và đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp).

Khi các hộ dân DCTD đến sinh sống trong rừng kéo theo nhu cầu về đất sản xuất lớn dẫn đến tình trạng xâm canh trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tại các tiểu khu 276, 280, 286 do UBND xã Cư M’lan quản lý, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 vụ vi phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng với diện tích rừng bị thiệt hại là 45,94 ha. Hiện nay, ở những khu vực rừng này, lực lượng kiểm lâm huyện cùng với công an, quân sự xã thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không phá rừng được ban ngày thì các đối tượng tổ chức phá vào ban đêm. Trong khi đó, những cánh rừng ở đây chủ yếu là rừng khộp nghèo nên việc chặt hạ một khoảnh rừng để chiếm đất diễn ra nhanh chóng và rất khó phát hiện. “Mặc dù được giao giữ một diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn, tình trạng dân DCTD đến địa bàn đông; việc chặt phá, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép rừng và đất lâm nghiệp phức tạp…, nhưng địa phương lại không có lực lượng chuyên trách, phương tiện, kinh phí nên dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp còn nhiều hạn chế”, ông Dân cho hay. 

Một khoảnh rừng do UBND xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) quản lý bị chặt phá  trái phép.
Một khoảnh rừng do UBND xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) quản lý bị chặt phá trái phép.

Để ngăn chặn và xử lý tình trạng dân DCTD đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng, trong những năm qua UBND xã Cư M’lan phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện tập trung lực lượng triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý nhưng luôn gặp phải sự chống đối, bất hợp tác của các hộ dân DCTD. Cụ thể huyện và xã đã thành lập nhiều đoàn công tác đến vận động các hộ dân DCTD tự giác về nơi ở cũ, trả lại đất cho UBND xã theo quy định nhưng họ không chấp hành. Khi UBND xã cùng với lực lượng kiểm lâm huyện tổ chức phá bỏ lán trại xây dựng trái phép thì những hộ dân DCTD tập trung đông người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em chửi bới, cản trở việc tháo dỡ; hoặc ký cam kết tự tháo dỡ lán trại nhưng họ không thực hiện… “Việc giải quyết tình trạng dân DCTD đến các khu vực rừng, đất lâm nghiệp do xã quản lý không chỉ gây ảnh hưởng đến rừng và đất lâm nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, do đó chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm có những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp địa phương sớm giải quyết tình trạng này, vì để kéo dài sẽ ngày càng phức tạp, khó giải quyết”, ông Dân lo lắng. 

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.