Bất an khi qua cầu Yên Thành 2
Cách trung tâm xã Đắk Nuê (huyện Lắk) chỉ gần 1 km nhưng hơn 30 năm qua người dân thôn Yên Thành 2 vẫn đi lại, vận chuyển nông sản trên cây cầu Yên Thành 2 tạm bợ, đối mặt với nguy cơ mất an toàn giao thông.
Năm 1987, người dân thôn Yên Thành 2 đóng góp tiền xây dựng cây cầu bắc qua suối Yên Thành 2. Cầu có chiều rộng 3 mét, chiều dài hơn 15 mét, mặt cầu làm bằng những mảnh gỗ ghép lại, nẹp chặt với nhau bằng những miếng gỗ dày hơn, không có lan can, dưới chân cầu được rọ đá. Hằng ngày có hàng trăm lượt người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa qua cầu, ngoài người dân tại thôn Yên Thành 2 còn có người dân các thôn lân cận như thôn Yên Thành 1, buôn Dhăm 1, Dhăm 2 và các xã Buôn Triết, Buôn Tría… có đất rẫy trồng lúa, cà phê tại đây. Được biết, tại thôn Yên Thành 1 cũng có một cây cầu được xây dựng kiên cố hơn nhưng do phải đi vòng xa hơn 3 cây số nên nhiều người vẫn chọn cây cầu này để qua lại, vận chuyển nông sản, phân bón, củi...
Mặt cầu làm bằng những mảnh ván gỗ ghép lại một cách tạm bợ. |
Do cầu được làm bằng gỗ tạm bợ, dễ hỏng nên mỗi năm hai lần người dân thôn Yên Thành 2 phải đóng góp tiền, ngày công để sửa chữa hoặc làm mới cầu; nhiều khi mới sửa xong thì mưa lũ ập đến, nước suối dâng cao chảy xiết phá hỏng, người dân lại phải tiếp tục đóng góp để sửa. Hiện nay sau nhiều lần sửa chữa cây cầu vẫn rất tạm bợ, mặt cầu khấp khểnh như "bẫy" người qua lại, năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ người, xe qua cầu bị rơi xuống suối, may mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hường (thôn Yên Thành 2) chở cháu từ trường học ở trung tâm xã về nhà, khi đi qua cầu gập ghềnh trượt tay ngã cả hai bà cháu xuống suối, may được người qua cầu phát hiện kéo lên kịp thời. Trước đó nữa, gia đình bà Nguyễn Thị Dung ở cùng thôn chở một xe cày cám từ xã về qua cầu không may bị lật xuống suối ướt hết cả xe cám, phải vớt vát bù đắp thiệt hại bằng cách nhờ người dân trong thôn mua giúp mỗi người một ít ...
Người dân lưu thông trên cầu Yên Thành 2. |
Điều khiến người dân ở đây lo lắng nhất là vào mùa mưa, nước suối dâng cao và chảy mạnh, nếu chẳng may ngã xuống thì hậu quả khó lường. Ông Tô Viết Thọ (Bí thư kiêm Trưởng thôn Yên Thành 2) cho biết: “Thôn Yên Thành hiện có hơn 100 hộ dân, mỗi năm hai lần người dân phải đóng góp tiền, ngày công để sửa chữa lại cầu, mỗi lần đóng tổng cộng khoảng 10 – 20 triệu đồng. Nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản nhiều, mà cầu chỉ được làm tạm bợ, mỗi lần mưa lại hư hỏng, xuống cấp nặng hơn khiến việc lưu thông của người dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Vì vậy, người dân rất mong các cấp chính quyền sớm quan tâm, tạo điều kiện đầu tư xây dựng cầu kiên cố thay cho cây cầu tạm nói trên để việc giao thông đi lại của bà con được thuận lợi, an toàn.”
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc