Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương ứng phó với dịch tả heo châu Phi

09:38, 05/06/2019

Sau một thời gian bị dịch tả heo châu Phi bao vây tứ phía, đàn heo của Đắk Lắk cũng đã không thoát khỏi bệnh dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay đối với ngành chăn nuôi…

Khoanh vùng dập dịch

Ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên tại hộ ông Lê Văn Bán ở thôn 11, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) vào ngày 28-5. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố phối hợp với UBND xã Hòa Phú cấp bách triển các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan; tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo nói trên. Đồng thời, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chợ và toàn khu vực lân cận ổ dịch; tiếp tục giám sát chặt chẽ về tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn heo của xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng, ngay sau khi tiêu hủy ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên ở xã Hòa Phú, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố đã tổ chức họp để tiến hành khoanh vùng dịch; lập chốt chặn quanh cửa ngõ thành phố, nhất là ở thôn 11 (xã Hòa Phú) để ngăn chặn không cho dịch tiếp tục lây lan. UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong thời gian có dịch, thành phố quyết liệt triển khai các biện pháp như: tạm dừng các hoạt động mua, bán, vận chuyển heo và sản phẩm của heo ra, vào vùng dịch; thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 5 không (không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Thành phố cũng yêu cầu Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú và các xã, phường trong vùng dịch uy hiếp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi, có các biện pháp triệt để, nhanh chóng không để dịch lây lan trên địa bàn. Đối với các xã, phường chưa có dịch, Chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch, sớm phát hiện ổ dịch khi mới bùng phát và kịp thời bao vây, nhanh chóng dập tắt ổ dịch, ngăn chặn lây lan ra diện rộng.

Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu, độc khử trùng đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi khi đem đi tiêu hủy.  Ảnh: M.Thuận
Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu, độc khử trùng đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi khi đem đi tiêu hủy. Ảnh: M.Thuận

Ngay sau khi tiêu hủy ổ dịch ở TP. Buôn Ma Thuột thì tại huyện Ea Súp lại xuất hiện 3 ổ dịch tả heo châu Phi. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Súp cho biết, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng, chống và tiêu hủy toàn bộ đàn heo của 3 ổ dịch, với tổng số 83 con (heo thịt và nái), trọng lượng gần 4 tấn.

Trước tình hình trên, UBND huyện Ea Súp yêu cầu các xã đã xảy ra dịch khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, bao vây dập dịch theo quy định; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về dịch tả heo châu Phi và các biện pháp phòng chống. Đối với những xã chưa có dịch, cần xây dựng các phương án phòng, chống; tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn trên địa bàn để giám sát tốt tình hình dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp tiêu độc, khử trùng bảo vệ đàn heo... Yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y cung cấp tài liệu tuyên truyền, trang thiết bị vật tư hỗ trợ các địa phương chống dịch; phối hợp với Phòng NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Tại vùng uy hiếp của dịch

Nằm trong vùng uy hiếp khi hai địa bàn lân cận là TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp đã ghi nhận ổ dịch tả heo châu Phi, các ngành chức năng và nông dân huyện Buôn Đôn đang căng mình ngăn chặn dịch bệnh đầy nguy hiểm này.

Theo thống kê mới nhất của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Buôn Đôn, toàn huyện hiện có 17 trang trại chăn nuôi heo tập trung và khoảng 1 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn gần 45 nghìn con. Kể từ sau thời điểm xuất hiện một đàn heo mắc bệnh lở mồm long móng vào cuối tháng 3 vừa qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã nhanh chóng tiến hành các bước khoanh vùng, dập dịch, sử dụng 600 lít thuốc sát trùng và 1 tấn vôi bột để triển khai tiêu độc khử trùng toàn địa bàn. Đặc biệt, tại 6 chợ có buôn bán các sản phẩm thịt tươi sống, công tác tiêu độc khử trùng được duy trì liên tục 2 – 3 lần/tuần cho đến nay.

Đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi của hộ ông Lê Văn Bán được chôn lấp để tiêu hủy.
Đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi của hộ ông Lê Văn Bán được chôn lấp để tiêu hủy.

Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi, nhưng công tác phòng chống dịch đang được triển khai một cách cấp bách. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Buôn Đôn Phan Đức Cầu cho biết, để đối phó với tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi, việc nâng cao ý thức chủ động phòng dịch của người chăn nuôi đóng vai trò quan trọng hơn cả.

Với đặc thù số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cao lại nằm rải rác ở tất cả các xã trên toàn huyện, công tác tuyên truyền và hỗ trợ người chăn nuôi phòng dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Do đó, bên cạnh việc liên tục lồng ghép tuyên truyền, phát tờ gấp tại các đợt tiêm vắc xin theo kế hoạch, Trạm còn phân công đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tuyên truyền đến các điểm bán thuốc thú y và thức ăn gia súc trên địa bàn, đề nghị chủ cơ sở phối hợp hướng dẫn bà con cách thức phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi như: tiêm thêm các loại vắc xin nằm ngoài chương trình hỗ trợ của Nhà nước, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung chế phẩm vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn chăn nuôi...

Tại trang trại chăn nuôi heo của anh Vũ Đình Đắc (thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl), việc đảm bảo an toàn dịch bệnh được tổ chức hết sức chặt chẽ. Khu vực chuồng trại được bố trí nằm giữa vùng cách ly rộng 12 ha, có tường xây bao xung quanh và bố trí 3 điểm sát trùng dọc lối đi trong trang trại. Người và phương tiện bên ngoài tuyệt đối không được vào trại mà phải sử dụng phương tiện nội bộ để trung chuyển thức ăn và các loại vật tư chăn nuôi. Ngoài tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch cho heo, anh Đắc còn thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại 2 lần/tuần, nỗ lực giữ môi trường an toàn cho đàn heo. Trang trại của anh hiện có 600 heo nái và 2.000 heo con. Không chỉ lo lắng về nguy cơ dịch bệnh, anh còn “sốt ruột” hơn khi việc tiêu thụ heo giống đang “chững” lại do người chăn nuôi không dám tái đàn trong thời điểm này.

Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn nhận định, huyện Buôn Đôn hiện đã nằm trong vùng uy hiếp của dịch tả châu Phi, vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh thêm phần khó khăn, cấp bách. Huyện đang nghiên cứu phương án lập trạm chốt  ngăn chặn việc vận chuyển heo mắc bệnh hoặc không rõ nguồn gốc từ nơi khác đến. Đồng thời, các đơn vị chức năng luôn tích cực bám sát địa bàn, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trên đàn heo để kịp thời xử lý theo đúng quy trình.

Quyết liệt chống dịch

Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục Phó phụ trách chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 6 ổ dịch tả heo châu Phi (ở TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp), với 139 con heo bị tiêu hủy. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch tả heo châu Phi, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chống dịch với tinh thần khẩn trương và quyết liệt nhất, toàn bộ đàn heo bị nhiễm bệnh đã được tiêu hủy theo đúng quy định. Chi cục cũng đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tiếp tục xuống ổ dịch để kiểm tra và thực hiện công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của các hộ dân và môi trường xung quanh các ổ dịch.

       Người  chăn nuôi  ở Buôn Đôn tăng cường dinh dưỡng cho đàn heo để phòng dịch bệnh.   Ảnh: Đ.Nga
Người chăn nuôi ở Buôn Đôn tăng cường dinh dưỡng cho đàn heo để phòng dịch bệnh. Ảnh: Đ.Nga

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi trên cả nước đang có những diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh cũng đã chuẩn bị những phương án, tình huống phòng chống khi đã xảy ra dịch, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh những văn bản chỉ đạo của các cấp và cơ quan chức năng. Trong đó quan trọng nhất là tập trung khoanh vùng dịch để áp dụng hiệu quả những biện pháp phòng, chống nhằm khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Ngoài ra, để tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch vận chuyển cũng như buôn bán, kinh doanh; tuyên truyền vận động người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn heo; vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khác để hạn chế dịch bệnh lây lan và đảm bảo sức khỏe cho con người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ, dịch tả heo châu Phi tuy là căn bệnh nguy hiểm cho đàn heo nhưng không lây sang người, để người tiêu dùng ổn định tâm lý, không quay lưng với sản phẩm thịt heo sạch, an toàn.

Ngày 5-4-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 763/QĐ-UBND về phê duyệt mức hỗ trợ tiêu hủy do dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với heo con, heo thịt các loại hỗ trợ 35.000 đồng/kg hơi; đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác 70.000 đồng/kg hơi.

Minh Thuận – Đinh Nga – Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.