Multimedia Đọc Báo in

Nan giải công tác giải phóng mặt bằng bùng binh Km3

09:02, 24/02/2020

Theo quyết định phê duyệt, Dự án mở rộng nút giao bùng binh Km3, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) được triển khai trong giai đoạn 2017 – 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án này vẫn giậm chân tại chỗ…

Ngày 1-9-2017 UBND tỉnh ký Quyết định số 2455/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng nút giao bùng binh Km3, giao UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Công trình thuộc nhóm C, tổng mức đầu tư trên 22,7 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh 50%, ngân sách TP. Buôn Ma Thuột 50%. Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm giảm ách tắc, mở rộng tầm nhìn để bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao bùng binh Km3.

Ngày 29-5-2019, UBND TP. Buôn Ma Thuột có Quyết định số 3531/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí tổ chức thực hiện công tác GPMB dự án trên. Theo thống kê, Dự án có 19 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí thực hiện trên 29,6 tỷ đồng. Về phương án tái định cư để thực hiện Dự án có 7 hộ (chính) và 4 hộ phụ bị thu hồi đất ở, được giao đất tái định cư tại khu dân cư 47, đường Lý Tự Trọng (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Về giá đất để tính thu tiền sử dụng đất là 33 triệu đồng/m2 (căn cứ vào Quyết định số 298/QĐ-UBND, ngày 13-2-2019 của UBND tỉnh). Theo kế hoạch, dự kiến công tác bồi thường GPMB sẽ được thực hiện trong năm 2019. Tuy nhiên, do còn vướng mắc, tính đến đầu năm 2020 mới chỉ có 4/19 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Còn lại 15 hộ dân không đồng ý với Quyết định phê duyệt phương án 3531.

Bản thiết kế chi tiết thi công công trình  mở rộng  bùng binh Km3, phường Tân Lập  (TP. Buôn Ma Thuột).
Bản thiết kế chi tiết thi công công trình mở rộng bùng binh Km3, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột).

Có 2 lý do dẫn đến việc các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trước hết, tất cả hộ dân cho rằng giá bồi thường về đất và tài sản trên đất quá thấp so với giá thị trường ở khu vực họ đang sinh sống, kinh doanh. Việc phải nộp một khoản tiền sử dụng đất ở khu tái định cư mới quá lớn, ngoài khả năng của các hộ dân. Trong khi đó, chính sách ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai hầu hết các trường hợp hộ dân bị ảnh hưởng Dự án này không thuộc đối tượng được ghi nợ nên càng khó khăn hơn.

Cụ thể, theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP, ngày 26-10-2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về quy định thu tiền sử dụng đất thì đối tượng được ghi nợ khi Nhà nước bố trí đất tái định cư chỉ gồm: gia đình, cá nhân thuộc diện người có công với cách mạng; hộ nghèo; gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trước thực tế đó, cuối năm 2019, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại với các hộ dân. Tại buổi đối thoại, các gia đình đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột xem xét chính sách hỗ trợ cho các trường hợp có điều kiện kinh tế khó khăn: hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng sinh sống trên đất thu hồi; hộ bị giải tỏa một phần diện tích đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà… Qua xác minh điều kiện kinh tế, hoàn cảnh từng hộ, ngày 14-11-2019, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có Văn bản số 499/BC-UBND báo cáo vướng mắc và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ để thực hiện công tác bồi thường GPMB dự án trong thời gian tiếp theo.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để Dự án sớm được triển khai, trước mắt đơn vị đề xuất tỉnh cho chủ trương hỗ trợ hơn 680 triệu đồng để 8 hộ cải tạo nhà ở sau khi phá dỡ công năng sử dụng của căn nhà để giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án. Đối với các hộ nhận đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất, đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương có chính sách cho ghi nợ để giảm bớt khó khăn.

Đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư để có nguồn thanh toán chi phí bồi thường vượt so với quyết định đã phê duyệt trước đó (theo Quyết định số 2455 chi phí GPMB là trên 17,3 tỷ đồng; theo Quyết định phê duyệt Phương án số 3531 thì tổng chi phí hơn 29,6 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 12,3 tỷ đồng). Về giải pháp lâu dài, theo quy hoạch chi tiết khu đô thị phường Tân Lập thì khu vực này sẽ phải giải tỏa bởi được quy hoạch là khu vực thương mại dịch vụ, nên các hộ dân chỉ được xây dựng tạm thời, sửa chữa nhà, vật kiến trúc hiện có trên đất.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường Giải Phóng (đoạn từ bùng binh Km5 đến đường Nguyễn Chí Thanh) để hạn chế mật độ phương tiện và người tham gia giao thông lưu thông qua vị trí này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.