TP. Buôn Ma Thuột Nhức nhối chuyện quản lý, bảo vệ hành lang suối (Kỳ 2)
Kỳ 2: Khơi dòng - Cần những giải pháp quyết liệt
Những dòng suối tự nhiên trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển. Để có thể gìn giữ, tôn tạo không gian xanh này, cần những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Một nhóm cựu học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột tổ chức dọn rác xung quanh khu vực suối Đốc Học. |
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk cho rằng, tuy trung tâm thành phố không có mặt nước lớn như sông, hồ nhưng Buôn Ma Thuột lại có mạng lưới suối dày đặc và dàn đều. Suối và khu vực hành lang cảnh quan ven suối tạo nên không gian xanh ví như “lá phổi’ của thành phố và cũng là nét đặc trưng độc đáo mà không phải đô thị nào cũng có được.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài phát triển thành phố, công tác quy hoạch chưa chú trọng đến đặc trưng, đặc thù này nên nhiều dòng suối nhỏ bị "lãng quên" đến biến mất, còn dòng suối lớn thì bị xâm hại nghiêm trọng. "Là “bảo vật” của thiên nhiên, những con suối - công trình thủy lợi cấp thoát nước tự nhiên - cũng là “máy điều hòa” cho đô thị và còn tạo ra vô số cảnh quan phục vụ đời sống của người dân…
Vì vậy, những con suối rất cần được chính quyền thành phố dành sự quan tâm thỏa đáng, có giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để tôn tạo, bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả nhất. Đừng “quay lưng” với các dòng suối, bởi không gian xanh tự nhiên này sẽ tạo nên "gương mặt" rất riêng và là một “đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng cho đô thị này" - Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm.
Liên quan đến câu chuyện này, ông Chu Văn Việt, Chủ tịch UBND phường Tân An cho rằng, để tôn tạo, bảo vệ cảnh quan của suối cần có sự quan tâm đầu tư nhất định để cải tạo cảnh quan khu vực hành lang suối, bảo vệ lòng suối, đồng thời kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng kè lấn, ngăn và nắn dòng làm thay đổi dòng chảy gây ngập lụt cục bộ trong mùa mưa cũng như làm mất mỹ quan đô thị như hiện nay. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng, khai thác sử dụng đất trong hành lang bảo vệ sông suối, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi đến người dân theo quy định.
Suối Ea Ngay đoạn chảy qua phường Thành Công và xã Cư Êbur bị kè lấn thu hẹp dòng chảy. |
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng
|
Theo ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung xử lý dứt điểm các công trình lấn chiếm, vi phạm hành lang suối theo quy định. Bên cạnh đó, UBND các phường, xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng, khai thác sử dụng đất trong hành lang bảo vệ sông suối, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi để nhân dân biết và thực hiện theo quy định. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng khuyến khích, kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức và cá nhân đang sử dụng đất tại khu vực ven suối, hồ tham gia đầu tư xây dựng bờ kè (theo vị trí và quy mô kỹ thuật của xây dựng được Sở Xây dựng và các cơ quan quản lý chuyên ngành phê duyệt) nhằm đảm bảo sự ổn định bờ suối, hồ chống xói lở, bảo vệ an toàn các công trình xây dựng ven suối và tạo mỹ quan đô thị.
Được biết, trên cơ sở quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột và các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực nội thành đã được duyệt, TP. Buôn Ma Thuột cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét tranh thủ các nguồn vốn vay, tài trợ của các tổ chức lồng ghép các chương trình của địa phương để đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật như: công trình giao thông, cấp, thoát nước và các công trình phục vụ lợi ích công cộng như: công viên, cây xanh..., nhằm tạo cảnh quan kiến trúc và vệ sinh môi trường dọc các suối, hồ công cộng, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc