Multimedia Đọc Báo in

Vượt "chướng ngại vật" Covid-19!

09:47, 23/08/2020

Trong quý II vừa qua, GDP của cả nước chỉ tăng trưởng ở mức 0,4%, thấp nhất trong vòng 35 năm qua. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp tình hình chung của toàn cầu từng bước cải thiện, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021; nếu kém thuận lợi hơn, mức tăng trưởng sẽ khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Không chỉ Việt Nam mà nhiều nền kinh tế khác trên thế giới cũng bị tổn thương. Covid-19 đang được nhìn nhận là “cái bẫy kinh tế”, "chướng ngại vật" đối với toàn thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn có thể biến thách thức thành cơ hội cho những nền kinh tế biết điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện, chiến lược phát triển. Kiên quyết, kiên trì vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự rõ quyết tâm để vượt qua "chướng ngại vật" này.

Trong lò luyện thép của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệm Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đỗ Lan
Trong lò luyện thép của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (Khu công nghiệm Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đỗ Lan

Quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” hoàn toàn có cơ sở với việc tận dụng, phát huy nguồn lực lớn ở trong nước. Lợi thế của một đất nước với sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp phong phú, đa dạng giúp chúng ta chủ động đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; tự tin đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời tiếp tục duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới.

Thêm nữa, một thị trường nội địa giàu tiềm năng cũng chính là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong thời điểm này. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực hiện những năm qua đã giúp người cung - người cầu; doanh nghiệp - người tiêu dùng thấy rõ hơn nội lực sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước. Người dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách nhìn nhận và thói quen mua sắm; những sản phẩm chất lượng, phù hợp nhu cầu đã chinh phục được thị hiếu tiêu dùng khách hàng nội.

Chung sức vượt "chướng ngại vật" Covid-19, không dừng lại ở cuộc vận động, phong trào "người Việt dùng hàng Việt" sẽ là một trong những liều thuốc nội hiệu quả cho doanh nghiệp. Sự trợ sức là vô cùng cần thiết với con số phần lớn doanh nghiệp ở trong nước là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Gỡ bỏ các rào cản bằng những cơ chế, chính sách thích ứng với thực tiễn của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp hồi phục sức khoẻ. Bên cạnh đó, với một nền kinh tế còn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, cũng cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế; đồng thời đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công nhằm tăng cầu trong nước.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​