Gánh nặng "vay chồng vay" với người nuôi cá lồng bè sau lũ
Sau đợt lũ lụt đầu tháng 12 vừa qua, hàng trăm tấn cá nuôi trong lồng bè của các hộ dân ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana đã chết trắng, gây thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, các hộ nuôi cá lồng đang gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại sản xuất.
Sau hơn 1 tuần cơn lũ đi qua, có mặt tại khu vực nuôi cá lồng bè của các hộ dân thị trấn Buôn Trấp, chúng tôi thấy rõ sự đau xót, buồn bã trên gương mặt của những người nông dân quanh năm quần quật mưu sinh. Hầu hết các bè nuôi cá lồng của người dân trên sông đã bị nước lũ xô dạt xiêu vẹo, bỏ không do cá chết. Theo người dân ở đây, khi mực nước dâng cao, chảy xiết mang theo rất nhiều rác thải, phù sa cộng thêm áp lực nước chảy mạnh dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt.
Cá nuôi trong lồng bè của người dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) chết trắng do lũ. |
Đứng bên lồng cá của gia đình, ông Nguyễn Anh (tổ dân phố 2) chua xót: “Gia đình có 8 lồng cá với hơn 40 tấn cá đều trôi theo dòng nước cả rồi. Giờ không còn nguồn thu nào để trả nợ ngân hàng, gia đình lại phải đi vay mượn bên ngoài với lãi suất cao hơn để chỉnh sửa lại lồng bè, khử trùng, tiêu độc và mua cá giống tái sản xuất". Ông Anh cho biết thêm, cá của bà con nơi đây nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, trọng lượng cá mỗi con đã trên 1 kg, đến thời điểm thu hoạch. Đây là thời điểm cá được xuất bán, chỉ chừa lại khoảng 1/3 để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng trong đêm 2-12, nước lũ tràn về đột ngột khiến người dân trở tay không kịp. Dòng nước chảy xiết khiến bè cá bị vỡ, có nơi người dân phải cắt thả cá để giữ lại bè, bảo vệ tính mạng.
Gia đình ông Dương Phi Phi có 21 lồng cá diêu hồng đến kỳ thu hoạch. Đợt lũ vừa qua khiến gia đình mất trắng hơn 100 tấn cá. Bởi ngoài cá thoát ra tự nhiên thì số còn lại trong bè đa phần bị chết nên đành đổ bỏ vì không có người mua. Đa số vốn liếng đầu tư đều do vay mượn nên gia đình ông Phi hiện không biết xoay xở ra sao vì cả cá, bè nuôi đều thiệt hại.
Là một trong những hộ thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua, anh Ngô Văn Tráng mất gần như toàn bộ 35 lồng nuôi với hơn 200 tấn cá đã đến kỳ xuất bán. Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh đã tập trung xử lý, chôn lấp cá chết, không vớt cá chết vứt ra vùng nước gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh cho người và cá nuôi còn sống trong lồng; dùng vôi, hóa chất khử trùng để xử lý, vệ sinh môi trường nước xung quanh khu vực lồng nuôi. Anh Tráng buồn rầu: “Gia đình bỏ vốn 2 tỷ đồng để đầu tư, vay thêm ngân hàng và nợ tiền thức ăn cho cá khoảng 4 tỷ đồng giờ mất trắng. Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để gia đình có điều kiện tái sản xuất”.
Ông Đỗ Xuân Sang, chủ hộ nuôi cá lồng tổ dân phố 5, thị trấn Buôn Trấp
|
Thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống dọc sông Krông Ana đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Hiện trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp có 13 hộ nuôi với tổng số 119 lồng. Đợt lũ vừa qua, tất cả các hộ nuôi cá đều bị thiệt hại nặng. Trong đó có 114 lồng nuôi thiệt hại trên 70%, 5 lồng nuôi thiệt hại 100%, ước tính tổng sản lượng cá thiệt hại là gần 600 tấn với hơn 23,7 tỷ đồng.
Sau khi cơn lũ đi qua, các hộ nuôi cá đang gia cố lại lồng bè, vệ sinh lồng nuôi, chờ mực nước trên sông ổn định trở lại sẽ tổ chức thả đợt cá giống mới. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các hộ nuôi cá lồng là kinh phí để mua con giống bởi đa số người nuôi cá ở đây đều vay vốn ngân hàng. Sau đợt thiên tai này, nhiều hộ nuôi trắng tay, không còn nguồn vốn. Các hộ nuôi cá lồng mong muốn trong thời gian tới các cấp, các ngành triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; các ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để khôi phục lại lồng bè, mua cá giống chuẩn bị cho vụ nuôi cá mới.
Người dân gia cố lại lồng bè để tái sản xuất. |
Để tạo điều kiện giúp các hộ nuôi cá lồng bè, chính quyền địa phương đã rà soát, thống kê tình hình thiệt hại của người dân do ngập lụt để tham mưu, đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời; tiến hành kiểm tra, hướng dẫn người nuôi xử lý xác thủy sản nuôi bị chết, không để ô nhiễm môi trường. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên xuống giống cá ồ ạt, mức độ nhiều đối với các lồng nuôi trên sông trong giai đoạn này để đề phòng diễn biến thời tiết phức tạp. Người dân nên thường xuyên cập nhật tin tức, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, mực nước sông suối để chủ động triển khai các phương án di chuyển các lồng cá đến nơi tránh trú an toàn.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc