Cần tận dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương
Một trong những khó khăn lớn của tỉnh ta trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề tưới tiêu. Để giải quyết vấn đề nước tưới cho cây trồng, công tác thủy lợi cần phải được quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên “lực bất tòng tâm” khi mà ngân sách tỉnh còn hạn chế. Do đó cần hết sức tận dụng, phát huy hiệu quả những công trình thủy lợi được Trung ương đầu tư.
Hiện nay trên địa bàn huyện Ea Súp có một công trình thủy lợi đang bị bỏ phí từ gần chục năm nay, đó là tuyến kênh Hồ thủy lợi Ea Súp thượng. Tuyến kênh được xây dựng bê tông kiên cố có chiều dài khoảng 5 km, với tổng kinh phí đầu tư lên đến 25,34 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Khởi công từ năm 2008, đầu năm 2012 công trình hoàn thành. Công năng của công trình là phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho hơn 200 ha cây trồng trên địa bàn xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Đơn vị nhận bàn giao để quản lý là Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk (nay là Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk). Tuy nhiên, kể từ ngày khánh thành đến nay, công trình đã bị bỏ hoang không sử dụng.
Tuyến kênh Hồ thủy lợi Ea Súp thượng bị bỏ hoang nhiều năm nay. |
Được biết, tuyến kênh nói trên chỉ mới là công trình đầu mối (kênh chính). Muốn đưa vào sử dụng phải có hệ thống kênh nhánh. Từ ngày tuyến kênh chính hoàn thành đến nay chưa có một hệ thống kênh nào được xây dựng kết nối từ kênh này, nguyên nhân là do không có trong danh mục dự án, mà địa phương thì lại không có kinh phí. Vì thế công trình đầu mối bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ bị xuống cấp. Không chỉ lãng phí nguồn vốn của Nhà nước (25 tỷ đồng cách đây 10 năm là một số vốn không hề nhỏ) mà còn lãng phí tài nguyên nước vì không được sử dụng đến. Trong khi đó thì người dân phải tốn hàng chục triệu đồng đào ao để trữ nước tưới cho cây trồng cho dù ở cạnh bờ kênh.
Cùng với lãng phí vốn, tài nguyên, người dân cảm thấy bức xúc khi sự lãng phí phơi bày trước mắt; và trong lúc đó chúng ta đang vận động chống lãng phí. Rõ ràng cần có cách nhìn khác trong tiếp nhận đầu tư của Trung ương: Trung ương cho chúng ta “cần câu”, trách nhiệm của địa phương là sắm “dây câu” và “lưỡi câu”. Phải có tinh thần chủ động như vậy mới tận dụng và phát huy được nguồn vốn của Trung ương để phát triển. Và sự tận dụng hiệu quả vốn đầu tư cũng sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư tiếp theo.
Thế Nhân
Ý kiến bạn đọc