Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến cuối năm 2014 cơ bản giải quyết xong chế độ cho cựu thanh niên xung phong

15:36, 26/07/2014

Cùng với cả nước, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành của tỉnh Dak Lak đang chung tay hàn gắn và xoa dịu vết thương chiến tranh cho cựu thanh niên xung phong (TNXP) bằng nhiều việc làm ý nghĩa, trong đó có vấn đề giải quyết chế độ hỗ trợ (một lần và hằng tháng). Để hiểu rõ hơn những nỗ lực này, PV Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn với ông NGUYỄN KÍNH, Phó Giám đốc Sở Nội vụ.

Để góp phần làm vơi bớt những thiệt thòi cho cựu TNXP, tỉnh ta đã giải quyết chế độ chính sách đối với họ ra sao, thưa ông?

Đây là một nhiệm vụ mới của ngành Nội vụ, vì vậy mỗi cán bộ, công chức sẽ cố gắng nhiều hơn để giải quyết kịp thời chế độ cho các cựu TNXP. Hầu hết cựu TNXP đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đều từ các tỉnh khác đến nên việc hoàn chỉnh hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn - đây cũng là khâu khó nhất trong việc cập nhật và hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với trách nhiệm của mình, ngành Nội vụ đã phối hợp với các ngành cố gắng hoàn thiện các hồ sơ để trình UBND tỉnh giải quyết chế độ cho các cựu TNXP bảo đảm chế độ chính sách theo quy định, nhưng trong quá trình triển khai vẫn có những sự chậm trễ nhất định. Tính đến cuối tháng 6-2014, trong tổng số 802 hồ sơ đã rà soát, tiếp nhận đề nghị giải quyết chế độ, Sở Nội vụ đã kết hợp với Sở LĐTB&XH, Hội cựu TNXP tham mưu UBND tỉnh ra quyết định giải quyết chế độ cho 107 hồ sơ (gồm 93 hồ sơ nhận trợ cấp một lần, 10 hồ sơ nhận trợ cấp hằng tháng và 4 hồ sơ nhận trợ cấp từ trần). Hiện đang tiếp tục cùng với các ngành rà soát 695 hồ sơ còn lại, có 201 hồ sơ đủ điều kiện trình UBND tỉnh ra quyết định trợ cấp, 494 hồ sơ chưa hoàn thiện đã đề nghị các các đơn vị hướng dẫn cá nhân để bổ sung giấy tờ liên quan còn thiếu theo quy định.

Như ông vừa cho biết, trong tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, số hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết chế độ chiếm hơn 50%, vậy nguyên nhân là do đâu?

Xin được nhắc lại đôi chút về lịch sử, việc ra đời của lực lượng TNXP khá đặc biệt. Sau khi chiến tranh kết thúc, các đơn vị TNXP giải thể, phần lớn TNXP không còn lưu giữ giấy tờ gốc, cũng như những thông tin liên quan về chiến trường, về tình huống, bối cảnh hy sinh, bị thương gần như đi vào quá khứ… do đó việc xác định hồ sơ theo đúng quy định gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân mang tính lịch sử trên, một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc thẩm định hồ sơ; cán bộ phụ trách công tác thanh niên thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt đầy đủ quy định giải quyết chế độ ưu đãi cho TNXP dẫn đến hồ sơ thiếu sót, bị trả đi trả lại nhiều lần. Một nguyên nhân nữa là do một số cựu TNXP chưa nắm rõ quy trình, thủ tục làm hồ sơ nên kê khai thiếu chính xác về địa bàn tham gia chiến đấu, thời gian chiến đấu, nguyên quán… làm cho thời gian giải quyết chế độ kéo dài, ở đây cũng có một phần không nhỏ hạn chế của cán bộ hướng dẫn cần phải sớm được khắc phục.

Thời gian tới, cơ quan chức năng khắc phục như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho các cựu TNXP?

Hầu hết TNXP tuổi đã cao, sức đã yếu, hiện không còn khả năng lao động, ốm đau kéo dài. Ý thức được điều này, ngành Nội vụ và chính quyền địa phương đang nỗ lực để giải quyết chế độ trợ cấp theo đúng quy định. Việc rà soát, giải quyết này phải được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm sự chính xác, không sai sót và đạt tới sự công bằng. Văn bản quy định đôi khi cứng nhắc, người giải quyết chế độ cần phải linh động, nắm vững các quy định của pháp luật liên quan và có tâm với công việc, chắc chắn việc giải quyết những tồn đọng cho đối tượng đặc biệt này sẽ nhanh chóng hơn. Với phương châm thực hiện trên, tỉnh ta phấn đấu đến cuối năm 2014 cơ bản giải quyết xong chế độ một lần và chế độ thường xuyên cho khoảng 1.000 cựu TNXP.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Hoa (thực hiện) 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.