Sẽ hỗ trợ toàn diện cho sản phẩm rau an toàn
Năm 2015 được chọn là năm “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”, trong đó việc sản xuất, sử dụng rau an toàn luôn được nông dân và người tiêu dùng quan tâm. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản về vấn đề hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Ngọc Thanh |
*Thưa ông, thời gian qua, tỉnh ta đã có sự hỗ trợ như thế nào đối với nông dân trong việc phát triển sản xuất rau an toàn?
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 9-7-2010 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015. Triển khai Nghị quyết này, trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất rau an toàn như: tổ chức hàng chục lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn về trồng rau an toàn (13 mô hình với diện tích 13 ha, trong đó có 7 mô hình trồng rau trong nhà lưới tại các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Pak, TX.Buôn Hồ và TP.Buôn Ma Thuột); tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và cách sử dụng hóa chất, Quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất và sơ chế rau an toàn, thu gom, sơ chế trong sản xuất rau an toàn... Các đơn vị chức năng cũng đã cấp 1.620 giấy chứng nhận cho nông dân tham gia tập huấn và xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn theo quy trình VietGap cho các tổ chức, cá nhân sản xuất; hỗ trợ các đơn vị sản xuất xây dựng nhà lưới, khu sơ chế, bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp và hỗ trợ thuê gian hàng bán rau an toàn tại các huyện Cư M’gar, Krông Pak và TX.Buôn Hồ...
Nhìn chung, công tác đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất. Trên địa bàn tỉnh đã có những sản phẩm rau được cấp giấy chứng nhận VietGap để cung cấp ra thị trường, hàm lượng dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau giảm dần qua các năm. Cụ thể: năm 2009-2010 là 6%, năm 2012 là 4,4%, năm 2013 là 2%...
Người tiêu dùng chọn mua rau củ quả an toàn tại siêu thị CoopMart Buôn Ma Thuột. |
* Theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, mục tiêu đặt ra toàn tỉnh có khoảng 480 ha rau an toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích canh tác rau an toàn của tỉnh chỉ đạt gần 4,4% so với mục tiêu. Vậy, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Quả thật, đến nay diện tích gieo trồng rau an toàn của tỉnh còn quá thấp so với mục tiêu đề ra. Việc triển khai sản xuất rau an toàn gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, không có khả năng đầu tư quy mô lớn. Chất lượng rau phần lớn chưa được theo dõi kiểm định đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định, sản phẩm rau chưa đa dạng. Một số hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả do năng lực, trình độ cán bộ quản lý HTX còn yếu, chưa có định hướng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là thị trường tiêu thụ rau an toàn không ổn định, sản phẩm rau được chứng nhận VietGap chưa có sự phân biệt rõ trên thị trường, giá cả còn bấp bênh. Từ đó dẫn đến tình trạng rau tiêu thụ không được, người dân mua rau cũng không thuận tiện (vì không phải ai cũng có khả năng, điều kiện vào siêu thị mua rau). Sản phẩm của những HTX sản xuất rau an toàn thì chỉ một phần vào siêu thị còn lại vẫn tiêu thụ ở chợ truyền thống như các loại rau khác; trong khi đó, ngay cả các siêu thị hằng ngày vẫn không tiêu thụ hết lượng rau đã nhập. Những khó khăn đó khiến người nông dân không muốn mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn.
* Hiện nay, tìm đầu ra ổn định cho rau an toàn đang là vấn đề người trồng rau đặc biệt quan tâm. Một số cửa hàng bán rau an toàn trên địa bàn hoạt động không đạt được hiệu quả, thu hút được ít người tiêu dùng sử dụng. Liệu đó có phải do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt, thưa ông?
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã hỗ trợ các đơn vị sản xuất thuê một số gian hàng bán rau an toàn, tập trung tại các huyện như Cư M’gar, TX.Buôn Hồ và Krông Pak. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện được còn ít. Từ năm 2011-2013, các cơ quan cũng chưa triển khai được theo kế hoạch việc hỗ trợ thuê gian hàng, xây dựng cửa hàng bán rau... Việc hỗ trợ và tuyên truyền của tỉnh mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất của nông dân chứ chưa chú trọng đến tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân vào việc sử dụng sản phẩm rau an toàn. Cơ quan quản lý cũng chưa tiến hành thường xuyên việc kiểm tra, xử phạt đối với những hộ sản xuất rau không bảo đảm an toàn (chủ yếu là dừng lại ở mức nhắc nhở, khuyến cáo vì việc xử phạt rất khó do người dân sản xuất nhỏ lẻ theo hộ, phân tán trong khi lực lượng thanh tra mỏng).
Mô hình trồng rau an toàn của một nông hộ trên địa bàn xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). |
* Từ thực tế này, trong thời gian tới, ngành đã có chính sách mới gì để hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích canh tác cũng như tìm được đầu ra ổn định cho rau an toàn, thưa ông?
Việc thực hiện hỗ trợ cho rau an toàn theo Nghị quyết 07/2010/NQ-HĐND trong thời gian qua mới tập trung hỗ trợ ở khâu sản xuất chứ chưa chú trọng đến xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Vì thế, để đẩy mạnh phát triển rau an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án về sản xuất rau an toàn theo chuỗi với các nhóm giải pháp toàn diện, đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, sẽ đẩy mạnh triển khai giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất nhằm tạo ra những vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Song song với đó, tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật như: tiếp tục mở các lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân về kiến thức an toàn thực phẩm, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm “4 đúng” trong sản xuất, tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, phân hữu cơ...; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau an toàn, tiến tới chỉ cho phép tiêu thụ trên thị trường những sản phẩm rau đã được xác nhận an toàn; chú trọng đến các kênh tiêu thụ, phân phối từng bước ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chỉ nên mua rau có xác nhận an toàn; tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, buôn bán rau vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề án “Sản xuất rau an toàn theo chuỗi” dự kiến sẽ được trình UBND tỉnh xem xét trong năm 2015.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Hồng (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc