Multimedia Đọc Báo in

Hãy tạo cơ hội để trẻ em nói lên tiếng nói của mình

17:17, 29/05/2015

Bên cạnh  những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục (BVCSGD) trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2015, phóng viên Báo Dak Lak điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Y SA PHÔN NIÊ KNƠNG, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xung quan vấn đề này.

1
Ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH dự và chỉ đạo hội nghị về công tác BVCSGDTE tại huyện Cư M'gar

* Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhiều tổ chức kinh tế, xã hội, công tác BVCSGD trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông có thể cho biết khái quát một số kết quả nổi bật?

Có thể nói, kết quả nổi bật đầu tiên chính là việc hình thành được đội ngũ cộng tác viên làm công tác BVCSGD trẻ em tại 2.470 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 105/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đã góp phần rất lớn trong việc rà soát, nắm bắt những vấn đề liên quan đến trẻ em tại cơ sở và báo cáo kịp thời lên cấp trên để can thiệp, trợ giúp, giải quyết kịp thời, nhất là đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em buớc đầu được xây dựng và triển khai tại 13 xã mô hình và 10 trường THCS theo Quyết định số 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nắm bắt nhanh thông tin về trẻ em ở địa phương và hỗ trợ sang chấn tâm lý cho những trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục và kịp thời giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài ra, hoạt động chăm lo, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được quan tâm khá toàn diện như: cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ phẫu thuật tim, dị tật vận động, phục hồi chức năng, xây dựng các công trình phúc lợi, tặng quà, học bổng, dụng cụ học tập…

1
Các thành viên nhóm nòng cốt của Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng xã Ea M'nang (huyện Cư M'gar) trò chuyện với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn

* Mặc dù vậy, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, bạo hành và dụ dỗ đi lao động sớm vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, bạo hành và dụ dỗ đi lao động sớm không chỉ là nỗi lo của ngành LĐTBXH mà còn trở thành gánh nặng của toàn xã hội. Chỉ trong năm 2014, toàn tỉnh có 884 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, với 66 trường hợp tử vong; 75 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 47 trẻ em bị xâm hại tình dục; 266 trẻ em lao động xa gia đình; 303 trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 4 tháng đầu năm 2015, đã có 8 trẻ em bị đuối nước, 102 trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm.

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác BVCSGD trẻ em còn nhiều hạn chế; việc đầu tư cho công tác này ở một số địa phương chưa được chú trọng; sự phối hợp của một số sở, ban ngành, đoàn thể trong hoạt động lồng ghép công tác BVCSTE thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Hơn nữa, tổ chức bộ máy BVCSGD trẻ em còn nhiều bất cập do nhiều lần tách nhập, giải thể nên có những lúc công tác này bị buông lỏng cả trong nhận thức và hành động. Đội ngũ cộng tác viên làm công tác BVCSGD trẻ em mới được kiện toàn nên còn thiếu và yếu kỹ năng, năng lực nắm bắt các vấn đề về trẻ em cũng như vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế hoặc hôn nhân không hạnh phúc nên nhiều gia đình đã sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, khiến nhiều em đứng trước nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

* Vậy để hạn chế thấp nhất tình trạng trên cần phải triển khai những biện pháp gì?

Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau: Tăng cường công tác truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cấp, ngành, tổ chức kinh tế, xã hội trong công tác BVCSGD trẻ em; phát huy tính tự giác của người dân trong việc tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em để góp phần ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trên. Chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng BVCSGD trẻ em. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc BVCSGD trẻ em tại cơ sở, đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường phối hợp và vận động các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn nhằm hỗ trợ nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án về BVCSGD trẻ em, nhất là hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học văn hóa, học nghề…

2
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, tư vấn cách chăm sóc, tập luyện cho trẻ em bị dị tật vận động

 * Với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông?

Đối với Tháng hành động vì trẻ em năm nay, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác BVCSGD trẻ em, Sở LĐTBXH sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm sau: Tổ chức Lễ phát động điểm Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh vào ngày 30-5-2015 tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh và Chương trình ngày hội thiếu nhi. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền về chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”; phát hành băng đĩa tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác BVCSGD trẻ em đến 184 đài truyền thanh cấp xã và 15 đài phát thanh – truyền hình cấp huyện.

Tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp về phòng chống tai nạn thương tích đặc biệt là phòng chống đuối nước trẻ em trong dịp hè và xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em tại một số xã thuộc các huyện Buôn Đôn, Krông Ana, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ. Tăng cường vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em để xây dựng các công trình phúc lợi, đặc biệt là trường, lớp học, nhà ở bán trú, thiết bị vui chơi giải trí, sân chơi cho trẻ em tại cộng đồng, trường học; phối hợp với các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh khám, phân loại cho khoảng 400 trẻ em bị bệnh mắt và dị tật vận động, tim bẩm sinh và đưa các cháu đi phẫu thuật. Bên cạnh đó, tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội và một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi và mùa hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Điểm nhấn quan trọng trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 là việc tổ chức các diễn đàn dành cho trẻ em nhằm thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em, tạo cơ hội để trẻ em được nói lên tiếng nói, thể hiện quan điểm, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình đối với những vấn đề trẻ em quan tâm; qua đó, lựa chọn đại biểu tiêu biểu tham gia diễn đàn cấp quốc gia.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.