Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết kịp thời chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công: Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

10:10, 27/07/2015

Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công (NCC) với cách mạng theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (CT 23) cơ bản hoàn tất. Qua rà soát bước đầu đã xử lý những sai sót, kịp thời điều chỉnh chế độ cho đối tượng hưởng chưa đầy đủ. Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh MAI HOAN NIÊ KDĂM, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng rà soát tỉnh.

°Thưa bà, tỉnh sẽ giải quyết thế nào đối những trường hợp tham gia kháng chiến hưởng sai chế độ, hưởng chưa đầy đủ, hoặc chưa được xác nhận để hưởng chế độ NCC?

Hiện nay đã có số liệu cụ thể của từng nhóm đối tượng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, phân loại để hoàn thiện hồ sơ theo đúng văn bản quy định và thẩm quyền giải quyết của từng ngành. Cụ thể 63 trường hợp hưởng chưa đầy đủ chế độ chính sách, chủ yếu là chưa được hỗ trợ về đất ở, miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, các địa phương đã giải quyết cho 19 trường hợp, đang hướng dẫn thiết lập hồ sơ cho 38 trường hợp, còn 6 trường hợp qua kiểm tra không đủ điều kiện hỗ trợ. Đối với 444 trường hợp khai có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xác nhận để hưởng chế độ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng phân loại từng nhóm đối tượng để xem xét giải quyết, nếu đủ điều kiện sẽ hướng dẫn thiết lập hồ sơ, còn không đủ điều kiện thì trả lời rõ để người dân hiểu. Những trường hợp thiếu hoặc không còn giấy tờ chứng minh tham gia hoạt động kháng chiến nhưng có cơ sở xem xét giải quyết chế độ thì lập danh sách xin ý kiến của Trung ương. Đến nay các ngành chức năng của tỉnh đã hướng dẫn thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ cho 149 trường hợp, 294 trường hợp thiếu giấy tờ, không có giấy tờ đang kiểm tra, xem xét, 1 trường hợp chuyển đi nơi khác. Về 37 đơn tố giác đối tượng NCC hưởng chế độ không đúng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB-XH phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét; đã tạm dừng chi trả chế độ cho 3 trường hợp hưởng chế độ thương binh vì có dấu hiệu sai phạm, xác minh 4 trường hợp, còn lại đang kiểm tra, xem xét chuyển các cơ quan chức năng giải quyết.

Bộ trưởng Bộ  LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cùng  lãnh đạo tỉnh  thăm, tặng quà người  có công trên  địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cùng lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà người có công trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

°Qua tổng rà soát lần này, cho thấy việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc gì thưa bà?

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ đối với các trường hợp tham gia kháng chiến nhưng chưa được công nhận, nhất là những người thiếu giấy tờ, không còn giấy tờ gốc. Hầu hết hồ sơ tồn đọng rất phức tạp, đa dạng, không đủ thủ tục hành chính, các giấy tờ chứng minh tham gia hoạt động kháng chiến chưa rõ ràng hoặc không còn…, không đủ điều kiện để xem xét giải quyết chế độ theo quy định hiện hành. Do đó đề nghị Bộ LĐTB-XH và các Bộ có liên quan sớm có hướng dẫn về thủ tục xác nhận, thẩm định hồ sơ gốc của các đối tượng chính sách, NCC. Một số trường hợp đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất…, nhưng ngân sách Nhà nước đang khó khăn chưa thể giải quyết cùng lúc. Thêm nữa là chế độ ưu đãi cho một số đối tượng NCC hiện nay thấp so với mặt bằng chung. Đơn cử như người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày hưởng 0,6 lần mức chuẩn (hơn 700.000 đồng/tháng), thanh niên xung phong hưởng trợ cấp hằng tháng 360.000 đồng; trợ cấp một lần đối với người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương 120.000 đồng/năm (bình quân hưởng 1.000.000 đồng cho cả quá trình tham gia hoạt động)…

°Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực cải thiện chế độ ưu đãi với mong muốn giúp NCC, gia đình chính sách ổn định cuộc sống. Tuy nhiên một số đối tượng đã lợi dụng chính sách này để trục lợi gây bức xúc trong xã hội, theo bà những kẽ hở nào khiến tình trạng xảy ra không ít?

Đền đáp công ơn NCC với cách mạng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ ưu đãi, tuy nhiên một số đối tượng đã lợi dụng sơ hở trong thực hiện chính sách làm giả hồ sơ hoặc sai lệch hồ sơ để hưởng chế độ. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 137 trường hợp hưởng sai chế độ, chủ yếu làm giả giấy tờ để hưởng chế độ chính sách thương binh, bệnh binh. Qua điều tra đã cắt chế độ 77 trường hợp, đề nghị truy tố 54 đối tượng liên quan, với mức án cao nhất 11 năm tù giam và thấp nhất 3 tháng tù treo, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng; tạm dừng chi trả chế độ 60 trường hợp để cơ quan chức năng xác minh làm rõ. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ NCC. Những trường làm giả giấy tờ chủ yếu thiết lập hồ sơ từ các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định… sau đó chuyển vào Đắk Lắk để hưởng chế độ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song thẳng thắn nhìn nhận một số chế độ, chính sách ưu đãi NCC còn bất cập, thiếu tính khả thi, văn bản hướng dẫn thủ tục di chuyển hồ sơ còn lỏng lẽo là kẻ hở để đối tượng lợi dụng lập hồ sơ giả hưởng chế độ. Bên cạnh đó nhận thức của người dân còn hạn chế; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt, xác nhận hồ sơ chưa đồng bộ, chặt chẽ, chính xác; công tác kiểm tra giám sát ở một số địa phương còn hạn chế nên chưa kịp thời phát hiện xử lý sai phạm trong thực hiện chính sách.

°Xin cảm ơn bà!

Toàn tỉnh có 17.378 NCC được rà soát, trong đó 17.315 trường hợp hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo quy định (chiếm 99,64%), 63 trường hợp hưởng chưa đầy đủ (chiếm 0,36%); 444 trường hợp kê khai có tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được xác nhận để hưởng chế độ. Đặc biệt qua đợt tổng rà soát này Ban Chỉ đạo các cấp đã nhận 37 đơn thư phản ánh, tố cáo NCC hưởng không đúng quy định. Ngoài sự chỉ đạo kịp thời của Bộ LĐTB-XH, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, Sở LĐTB-XH với vai trò là cầu nối giữa địa phương và cơ quan thường trực của Trung ương đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh triển khai tốt nhiệm vụ tổng rà soát.

Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.