Multimedia Đọc Báo in

Năm 2020 cả nước sẽ dừng phát sóng truyền hình tương tự

08:07, 19/09/2015

Theo Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, cả nước sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất. Để tìm hiểu rõ hơn lộ trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN TRUNG HIỂN, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

* Xin ông cho biết lộ trình triển khai Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?

- Theo Kế hoạch số 5319/KH-UBND của UBND tỉnh, lộ trình triển khai “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2014-2017 chủ yếu làm công tác truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức và người dân hiểu mục đích của Đề án, lộ trình thực hiện trên toàn quốc cũng như lộ trình của tỉnh. Giai đoạn từ 2017-2020 sẽ triển khai và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để chuyển tải các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự để chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất phải trước ngày 31-12-2020.

* Thưa ông, việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất có những ưu điểm gì? Các loại ti vi người dân đang sử dụng có thể xem được truyền hình số mặt đất không và điều kiện để tiếp sóng?

- Về công nghệ, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mang lại nhiều tiện ích cụ thể như: Nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình với hình ảnh, âm thanh tốt hơn so với công nghệ tương tự; tăng số lượng kênh chương trình truyền hình, giảm đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình do số lượng máy phát giảm;… Về tài nguyên tần số, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình giúp tiết kiệm được một phần băng tần đang sử dụng cho truyền hình để chuyển sang sử dụng cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng khác… Về thị trường, việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất cho phép hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình trên cơ sở bảo đảm sự quản lý thống nhất có hiệu quả của Nhà nước.

 Để xem được truyền hình số mặt đất với những tivi thông thường chưa tích hợp bộ giải mã tín hiệu truyền hình số, người dân cần trang bị thêm bộ giải mã Set Tep Box (STB) có giá dao động từ 400.000 – 700.000 đồng. Hộp STB có chức năng thu và giải mã tín hiệu truyền hình kỹ thuật số thành dạng tín hiệu phù hợp để hiển thị trên bộ máy thu truyền hình tương tự hoặc thiết bị hiển thị khác đang sử dụng (màn hình máy vi tính hoặc màn chiếu…). Theo quy định, từ 1-5-2014, các dòng sản phẩm tivi và đầu thu STB đã tích hợp chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2 phải được dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình để nhân dân có thể dễ dàng nhận biết khi mua các sản phẩm này trên thị trường. Theo tôi, người dân nên cố gắng mua những tivi đã tích hợp sẵn bộ giải mã tín hiệu truyền hình kỹ thuật số là tốt nhất.

Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các kênh truyền hình thiết yếu của các đài truyền hình Trung ương và địa phương phải được truyền dẫn phát sóng trên mọi hệ thống truyền hình trả tiền (trong đó có truyền hình cáp). Vì vậy, đối với những gia đình có điều kiện xem dịch vụ truyền hình trả tiền thì không nhất thiết phải xem truyền hình số mặt đất.

* Sở Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch tuyên truyền như thế nào để người dân hiểu rõ về Đề án này?

- Để làm tốt công tác truyền thông trong việc triển khai Đề án một cách rộng rãi cho người dân trên địa bàn tỉnh, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp theo từng năm. Theo đó năm 2014 – 2015, Sở tiến hành tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ  gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, cán bộ đài truyền thanh – truyền hình từ tỉnh đến huyện, xã và cán bộ tuyên giáo xã phục vụ công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở; đồng thời xây dựng video clip để phát thường xuyên trên các phương tiện truyền thanh – truyền hình từ tỉnh đến huyện để người dân nắm được chủ trương cũng như mục tiêu của Đề án. Qua đó, người dân có thể chuẩn bị được tinh thần khi chuyển đổi sang xem truyền hình công nghệ số với chất lượng âm thanh và hình ảnh có độ rõ nét cao.

*Xin cảm ơn ông!

Hồng Chuyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.