Multimedia Đọc Báo in

Còn nhiều khó khăn trong công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng

09:02, 28/08/2015

Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đang là mối quan tâm của nhiều người. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà LÊ THỊ MINH, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh về công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện giai đoạn 2011-2015.

* Xin bà cho biết về thực trạng và hoạt động công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- Trong 5 năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã có những hoạt động khá tích cực trong công tác phòng, chống ma túy, nhưng do tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên toàn quốc diễn biến phức tạp đã tác động, ảnh hưởng đến công tác này ở địa phương. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tăng thêm 242 người (từ 1.119 người năm 2011 lên 1.361 người vào tháng 6 năm 2015) chưa kể số người nghiện ma túy không có hồ sơ quản lý. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có người nghiện (118/184 xã, phường), trong đó một số địa bàn có số lượng người nghiện ma túy cao như: TP. Buôn Ma Thuột (320 người); các huyện Ea H’leo (137 người); Ea Kar (144 người); Krông Búk (94 người).

Trước thực trạng đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Chi cục đều tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác cai nghiện phục hồi tại cấp cơ sở và các thành viên trong Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương xây dựng các tin, bài có nội dung tuyên truyền về tác hại của ma túy, hình thức cai nghiện và phương pháp dự phòng chống tái nghiện, chính sách tín dụng vay vốn, dạy nghề tạo việc làm… Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện của từng địa phương về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; quản lý hồ sơ người nghiện, người sau cai nghiện…

Trong 5 năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động được 51 tổ công tác với 359 thành viên ở 51/118 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Các xã, phường, thị trấn cũng đã lồng ghép công tác phòng chống ma túy vào nhiều chương trình. Một số địa phương đã xây dựng được nhiều phong trào mang tính giáo dục cộng đồng như: “Gia đình không có người thân phạm tội về ma túy và nghiện ma túy”, “Quỹ thắp sáng ước mơ hoàn lương” ở huyện Buôn Đôn. “Phụ nữ với pháp luật”, “Tìm địa chỉ đen” ở huyện Krông Năng, “Toàn dân tham gia, phản ánh, tố giác tệ nạn ma túy” ở huyện Krông Ana… Tuy nhiên, do nhận thức của người nghiện và gia đình người nghiện, chính quyền các cấp thiếu thống nhất về quan điểm, xã hội đang tồn tại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy nên trong thời gian qua, số người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng vẫn hết sức hạn chế. Theo quy định người nghiện hoặc gia đình người nghiện phải tự giác khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình hay trung tâm. Nhưng trên thực tế thời gian qua việc lập hồ sơ người nghiện chủ yếu là từ số liệu Công an huyện cung cấp cho Công an xã. Công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp tự nguyện tại cộng đồng còn hạn chế, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng còn hết sức khó khăn.

* Vậy thưa bà quy trình cai nghiện và công tác quản lý sau cai nghiện trong thời gian qua được thực hiện như thế nào?

- Toàn tỉnh hiện có 118 cơ sở y tế của 118 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy không bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện quy trình xét nghiệm, phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn cho người nghiện. Vì vậy 251 y,  bác sĩ của các cơ sở y tế này đều đã được tập huấn về điều trị cắt cơn nhưng chưa được thực hành. Các hoạt động điều trị cắt cơn vẫn chủ yếu theo phương thức cũ, chuyển người bệnh đến bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế cấp huyện để xét nghiệm phát hiện tình trạng nghiện sau đó chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Bên cạnh đó, một thực trạng chung nữa là: Tổ công tác xã phường, thị trấn hoạt động kém hiệu quả, một số thành viên trong Tổ còn hạn chế về chuyên môn, thiếu tâm huyết trong giúp đỡ người nghiện; chính quyền cấp cơ sở ở một số địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực chuyên môn, thiếu sâu sát đến cơ sở, do đó các hoạt động sau giai đoạn điều trị cắt cơn không đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh mới có 306 người nghiện được tiếp cận hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, chỉ đạt tỷ lệ 44% so với chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh theo Quyết định 792 ban hành ngày 28-3-2011; trong đó, 261 người cai nghiện tại gia đình; 13 người cai nghiện tại cộng đồng; 32 người áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Công tác quản lý sau cai nghiện trong giai đoạn 2011-2015 cũng còn nhiều hạn chế. Cả tỉnh chỉ có 290 lượt người được áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, đạt tỷ lệ 21% so với chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh đề ra tại Quyết định số 792; trong đó, 3 người được dạy nghề; 23 người được hỗ trợ tạo việc làm, 6 người được vay vốn… Nguyên nhân chủ yếu là do Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh chưa tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này; chính quyền ở một số địa phương không quan tâm, Đội hoạt động xã hội tình nguyện nhiều nơi chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, giúp đỡ, động viên, khuyến khích người sau cai nghiện tham gia các hoạt động xã hội…

* Để công tác cai nghiện ma túy trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, theo bà cần có những giải pháp hay kiến nghị , đề xuất gì?

- Từ kết quả thực tiễn tại địa phương trong giai đoạn 2011-2015 về công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, quản lý sau cai nghiện nói riêng và quan điểm đổi mới về cai nghiện ma túy nói chung, Chi cục PCTNXH và Sở LĐTB&XH tỉnh đã có một số kiến nghị đối với các Bộ, ngành. Cụ thể là cần sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định số 94 ngày 26-10-2009 của Chính phủ để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời xây dựng, ban hành cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động quản lý sau cai nghiện bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; có xét đến tính đặc thù về tâm lý, thể chất, hành vi của người sau cai nghiện ma túy. Ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng ở địa phương, đơn vị do mình phụ trách.

Bộ LĐTB&XH cần phân cấp thẩm quyền cấp, gia hạn giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện cho UBND các tỉnh, thành thực hiện nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực cai nghiện tự nguyện. Cần hoàn thiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho người nghiện trong quá trình cai nghiện và tạo việc làm cho những người đã hoàn thành cai nghiện; chế độ, chính sách đối với các cán bộ làm công tác chuyên trách, trực tiếp, kiêm nhiệm và những người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tham gia công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Đối với tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố hằng năm xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác cai nghiện từ ngân sách Nhà nước theo quy định. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bảo đảm hoạt động thường xuyên của cơ sở để điều trị cắt cơn ở tuyến xã, phường, thị trấn…

* Xin Cảm ơn bà!

                                                                                         Minh Quân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.