Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả của tín dụng chính sách trong giảm nghèo

07:01, 03/10/2015

Trong những năm qua tuy điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực cho vay giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được  các cấp, ngành và địa phương quan tâm triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả... Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN HẢI NINH, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.

* Xin ông khái quát vài nét về những kết quả mà Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) đạt được trong thời gian qua?

Sau khi có Nghị định 78/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ, đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được quan tâm thông qua việc vay vốn tại NHCSXH để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Từ 3 chương trình nhận bàn giao của các tổ chức tín dụng năm 2003 với dư nợ khiêm tốn hơn 100 tỷ đồng, đến nay qua hơn 12 năm hoạt động dư nợ đã đạt 3.156 tỷ đồng với 11 chương trình tín dụng chính sách, gấp gần 250 lần so năm 2003. Mốc son đánh giá sự cam kết đầu tư cho vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng được ghi nhớ trong Biên bản ký kết giữa NHCSXH Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên ngày 13-4-2013. Kể từ đó việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT NHCSXH. Doanh số cho vay hơn 2 năm qua của các chương trình đạt cao (1.933 tỷ đồng), đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách mang lại cho địa phương?

Nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh từ NHCSXH đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm từ 14,67% xuống còn 12,26%, năm 2014 giảm từ 12,26% xuống còn 10,02%, năm 2015 ước giảm 3%. Các chương trình tín dụng chính sách cho vay đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, hộ nghèo, cận nghèo có vốn đầu tư sản suất, kinh doanh nâng cao đời sống, con em các gia đình khó khăn có tiền để trang trải chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thông qua việc nhận ủy thác cho vay của 4 tổ chức chính trị xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động quần chúng và hoạt động của các cấp hội đặc biệt là tạo sự đồng thuận, tin yêu của nhân dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.

* Tín dụng tăng trưởng mạnh, vậy làm thế nào để bảo đảm chất lượng tín dụng, thưa ông?

Để bảo đảm chất lượng tín dụng, tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp trong tỉnh phối hợp với NHCSXH thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tập huấn cho đội ngũ cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác tuyên truyền cho tổ viên và triển khai công tác kiện toàn, củng cố hoạt động của tổ. So với thời điểm xây dựng đề án, số tổ được xếp loại tốt tại hầu hết các chi nhánh đều tăng. Có thể khẳng định những giải pháp quyết liệt nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại Đắk Lắk là đúng hướng, đạt hiệu quả cao....

* Xin cảm ơn ông!

Giang Nam (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.