Lời giải cho "bài toán" bảo tồn và phát triển: Tùy vào nhận thức và tâm lý ứng xử của mỗi địa phương, cộng đồng
Có mặt tại Hội thảo về công tác bảo tồn Di sản Việt Nam được Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột từ ngày 24 đến 26-9 vừa qua, TS NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đắk Lắk xung quanh vấn đề này:
- Bảo tồn và phát triển luôn là "bài toán" nan giải đặt ra, ông nghĩ điều đó thế nào và có cách gì để giải quyết một cách hữu hiệu vấn đề này?
Bảo tồn và phát triển là một thực tế có tính phổ quát của toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam. Ở đấy, môi trường văn hóa cộng đồng cần được nhận thức một cách minh bạch qua hai địa hạt: môi trường văn hóa di sản và môi trường văn hóa hiện đại. Giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại luôn tiềm tàng những khả năng tranh chấp, mà việc hóa giải sự tranh chấp này luôn đặt ra những thử thách đối với người “cầm cân, nảy mực”. Từ việc cân nhắc lẽ thiệt hơn, khi đưa chúng lên bàn cân nghị luận - có lúc, kết quả cuối cùng lại không thuận theo dự kiến xuất phát. Do vậy, trước mỗi vấn đề, bao giờ cũng cần nhìn nhận một cách khách quan và trung thực, tránh lề thói cá nhân và xem thường kinh nghiệm. Lẽ dĩ nhiên, cá nhân không phải là lúc nào cũng chủ quan và kinh nghiệm không phải lúc nào cũng dự báo kết quả tích cực.
TS Nguyễn Phước Hải Trung viết thư pháp phục vụ du khách đến thăm Di tích Cố đô Huế. |
Không thể có một phương cách cụ thể nào để có thể giải được “bài toán” bảo tồn và phát triển. Điều này tùy vào thực tế, tùy vào nhận thức và tâm lý ứng xử của mỗi địa phương. Cá nhân tôi thì cho rằng, bảo vệ tốt di sản, tài sản văn hóa thì tự thân nó đã bao hàm tính phát triển. Nói lên điều này, bởi lẽ chúng ta vẫn thường có những đánh giá thiếu khách quan trong việc bảo tồn, mà trên hết vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm cho rằng bảo tồn như một sự bảo thủ, cổ hủ, thiếu cái nhìn tiến bộ và trì níu sự phát triển… Kinh nghiệm của nhiều nước phương Tây đã chỉ ra rằng, tốc độ hiện đại hóa bên cạnh những mặt tích cực của nó, đã để lại nhiều hậu quả không thể khắc phục là bộ mặt đô thị ngày càng nặng nề bởi những khối bê tông lạnh lùng và vô cảm. Suy cho cùng thì nhận thức văn hóa mới là chuyện sống - còn của giá trị văn hóa truyền thống. Nếu nhận thức chưa đúng, không đủ thì sự vụ sẽ trở nên dài dòng và chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Chính văn hóa là những giá trị còn lại sau những gì đã qua - luôn là nền tảng, động lực của mọi quốc gia trong tiến trình phát triển.
- Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng... là vốn tài nguyên quý báu, để phát huy giá trị của nó nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH của mỗi địa phương, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình từ thực tế công tác mà ông đang phụ trách tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ?
Tài nguyên thường đính kèm với thực tế khai thác hoặc phát huy, mà khi khai thác thì lại đứng trước nguy cơ “cạn kiệt”. Với di sản thì sự cạn kiệt ấy không hiện hữu ở số lượng mà hiện hữu ở chất lượng. Nếu chúng ta làm không tốt, chỉ bằng lòng và dừng lại ở những gì đã có sẵn, mà không tiếp tục nghiên cứu để bồi đắp cho giá trị di sản thì hiện tượng cạn kiệt thể hiện qua sự nghèo nàn, nhàm chán… luôn trở thành nguy cơ “ăn mòn di sản”.
Do vậy, môi trường di sản luôn cần được đặt trong sự sống động của nó. Không gian di sản cần được nghiên cứu để được tái hiện. Khoảng thập niên 80, khi bắt đầu công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, một nhà quản lý ở châu Âu đã đến đây và thực hiện cuộc vận động bảo tồn di sản với một slogan nổi tiếng: “Huế luôn luôn mới”. Đây không phải là một khát khao làm mới Huế mà là một khát vọng khám phá Huế. Cái mới được tìm thấy trong nhiều phức hệ giá trị để tiếp tục trao truyền cho thế hệ mai sau. Đó chính là việc của người Huế hiện tại và tiếp nối.
Hiện nay, tại khu di sản là quần thể Di tích Cố đô Huế, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực trong việc tái hiện lại các không gian lịch sử thông qua các hình thức trưng bày, diễn xướng. Các di tích sau khi trùng tu được nghiên cứu phục hồi lại không gian nội thất, trưng bày có tính chất tái hiện cảnh quan của di tích. Các tiết mục Nhã nhạc, nghi thức truyền thống được thực hành tại môi trường diễn xướng nguyên thủy của chúng. Du khách ngày nay đến với di sản Huế sẽ được hiểu thêm về một di sản với đầy đủ các giá trị tạo nên phức hệ toàn vẹn của nó: là di sản kiến trúc - cảnh quan - cổ vật - nghệ thuật diễn xướng… Cụ thể như Lễ đổi gác thời Nguyễn được tái hiện tại Ngọ Môn; Tiểu nhạc trình tấu tại sân Điện Thái Hòa; Đại nhạc trình tấu tại Hiển Lâm Các; Tuồng và múa cung đình trình diễn ở Duyệt Thị Đường (Đại Nội); Ca Huế biểu diễn tại Xung Khiêm Tạ (lăng Tự Đức)…
Di sản được thế hệ trước để lại là một chuyện, người thời nay, thời mai ứng xử với di sản như thế nào lại là chuyện khác. Trở lại với vế đầu, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều băn khoăn giữa bảo tồn và phát triển, các giá trị văn hóa liệu có còn trọn vẹn trong vòng xoáy của hội nhập và hiện đại hóa. Có lẽ đây là câu chuyện dài hơi của xã hội, đòi hỏi phải được nhận thức một cách nghiêm túc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đình Đối (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc