Multimedia Đọc Báo in

HĐND tỉnh tập trung giám sát những vấn đề được cử tri phản ánh nhiều

13:50, 18/06/2017

Giám sát là một trong những hoạt động của HĐND tỉnh góp phần triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hiểu rõ về vai trò hoạt động giám sát, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THANH HIỆP, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh xoay quanh vấn đề này.

  Ông có thể khái quát đôi nét về hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh thời gian vừa qua?

Trong quá trình điều hành các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt coi trọng công tác giám sát, bởi đó là cơ sở để bảo đảm cho HĐND thực hiện tốt chức năng quyết định. Bên cạnh công tác giám sát thường xuyên, thời gian qua, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh đã tích cực tổ chức thực hiện và hoàn thành 5 đợt giám sát chuyên đề về công tác quản lý, khai thác khoáng sản; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tình hình đầu tư và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý; kết quả thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh.

Các chuyên đề giám sát HĐND tỉnh lựa chọn thường tập trung đi sâu vào những vấn đề nổi cộm của đời sống kinh tế, xã hội, liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh luôn bảo đảm đánh giá khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

°Những hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có tác động như thế nào đến việc triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?

Mục đích của giám sát nhằm đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung được giám sát, qua đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách.

Qua giám sát nhận thấy UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương rất quan tâm, chấp hành và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kết luận, đề xuất, kiến nghị của các đoàn giám sát nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp các Ban của HĐND tỉnh có thêm thông tin, nhận định quan trọng trong quá trình thẩm tra chương trình, đề án mà UBND tỉnh trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

°Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, theo ông, thời gian tới, HĐND tỉnh cần có những đổi mới gì?

Bên cạnh thực hiện đầy đủ quy trình về hoạt động giám sát theo quy định của Luật, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát,  thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ lựa chọn kỹ nội dung giám sát, tập trung vào những vấn đề xã hội trọng tâm, bức xúc, được cử tri phản ánh nhiều; đổi mới hình thức giám sát theo hướng giảm thời gian làm việc tại UBND và các sở, ngành liên quan, tăng thời gian đi thực tế cơ sở; tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh (có truyền hình, truyền thanh trực tiếp) để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Sau giám sát, HĐND tỉnh sẽ có báo cáo kịp thời, nêu kiến nghị đầy đủ, cụ thể gửi tới các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức họp để các chủ thể được giám sát giải trình về việc thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát.

°Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.