Dồn sức chăm lo cho giáo dục vùng khó khăn
Những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tập trung quan tâm đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Trong chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Giám đốc Sở GD-ĐT để làm rõ hơn vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa. |
●Là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong những năm qua các chính sách phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
Đắk Lắk là tỉnh miền núi có tỷ lệ học sinh DTTS chiếm gần 34% học sinh toàn tỉnh, đồng thời có nhiều xã, thôn, buôn điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Do vậy phát triển giáo dục vùng DTTS, vùng khó khăn luôn là mục tiêu ưu tiên và được sự quan tâm của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trước hết phải kể đến đó là chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất như các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương về kiên cố hóa trường lớp học thì cũng ưu tiên đầu tư cho vùng sâu vùng xa, vùng DTTS. Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đã được triển khai thực hiện như: Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ về chế độ cử tuyển đã hỗ trợ học bổng, chi phí học tập gần 1 tỷ đồng/năm; Nghị định 86/2005/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ về miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 150 tỷ đồng/năm học; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5-1-2018 của Chính phủ quy định về hỗ trợ ăn trưa với trẻ em mẫu giáo với kinh phí 23 tỷ đồng/năm học; Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ đã hỗ trợ 15 tỷ đồng và cấp cho học sinh thuộc đối tượng chính sách hơn 1.000 tấn gạo mỗi năm học. Bên cạnh đó còn một số chính sách học bổng và trang cấp ban đầu cho học sinh các trường nội trú, bán trú, chính sách tín dụng cho sinh viên...
Có thể nói các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như ở địa phương đã hỗ trợ tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng sâu, vùng xa với vùng thuận lợi.
● Về công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh, xin ông cho biết đã được triển khai như thế nào và những kết quả đạt được?
Trong những năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc ưu đãi sử dụng đất, các chính sách về tín dụng đối với các dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền chủ trương xã hội hóa để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục... Tính đến năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 56 trường tư thục (trong đó có 1 trường THPT, 1 trường có hai cấp học THCS - THPT, 2 trường có ba cấp tiểu học - THCS - THPT, 7 trường tiểu học, 45 trường mầm non) với quy mô gần 17.000 học sinh, tổng mức đầu tư gần 1.590 tỷ đồng. Có thể nói rằng Đắk Lắk là một trong những tỉnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục mạnh nhất ở các tỉnh Tây Nguyên, góp phần giảm chi phí đầu tư cho giáo dục và đáp ứng yêu cầu học ngày càng cao đối với phụ huynh cũng như gia đình có điều kiện, giảm đầu tư công ở những vùng phát triển để tăng cường đầu tư ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa và vùng DTTS.
Tiết học Tiếng Anh của cô và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông). |
● Trên thực tế, ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ có giải pháp gì thưa ông?
Thời gian tới, ngành Giáo dục tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút đầu tư, mở các trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Bên cạnh đó thông qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kêu gọi các nguồn đầu tư cơ sở vật chất cho các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh triển khai mạnh mẽ hơn nữa chủ trương này và thực hiện các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; trong đó tập trung chuyển đổi một số trường công lập sang ngoài công lập, hay các trường công lập tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn về tài chính; xây dựng đề án sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo tinh thần tinh gọn lại các điểm trường, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ và tiểu học vào THCS để giảm các đầu mối nhằm tăng cường sự đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
●Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc