Nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh học nghề
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) để thu hút người học, nội dung này được Tiến sĩ HOÀNG MINH CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk chia sẻ trong chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.
°Xin Tiến sĩ cho biết định hướng, chính sách phát triển về giáo dục nghề nghiệp của Đảng và Nhà nước ta hiện nay?
-Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định giáo dục đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nên ưu tiên dành 20% ngân sách Nhà nước. Phát triển GD-ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chuyển mạch giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk Hoàng Minh Cương. |
GD-ĐT gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) và giáo dục đại học. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp thể hiện rõ học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.
°Người học thường có tâm lý tốt nghiệp THPT sẽ học đại học, tuy nhiên nhu cầu xã hội lại đang cần những lao động có tay nghề, những người thợ giỏi. Ông đánh giá như thế nào về điều này và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã và đang làm gì để hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp?
Tâm lý học đại học là nhu cầu chính đáng để phát triển về nghề nghiệp tương lai. Song tâm lý trên đã có sự thay đổi, linh hoạt, hiệu quả hơn nhằm đáp ứng, thích ứng với nhu cầu giải quyết việc làm của xã hội, cộng đồng, điều kiện kinh tế gia đình, năng lực học tập và điều kiện của bản thân. Thực tế chứng minh con đường thành danh của một người không nhất thiết phải học đại học. Sự học là học suốt đời, học liên tục vì sự phát triển của bản thân. Chính vì vậy, hiện nay, nhiều em học sinh đã lựa chọn học các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với thời gian đào tạo ngắn, tốn kém ít hơn, ra trường có việc làm ngay và khi có điều kiện lại tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn.
Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật hướng dẫn học sinh thực hành trên máy tính. |
Để thu hút học nghề, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp các em học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp; liên kết chặt chẽ, thường xuyên với 60 đơn vị, HSSV thực tập được doanh nghiệp trả lương trong thời gian thực tập; tổ chức ngày hội việc làm (doanh nghiệp nhận tuyển dụng trong ngày nhận bằng tốt nghiệp); quản lý thông tin HSSV sau khi ra trường hỗ trợ học tập liên thông lên bậc học cao hơn.
°Thưa ông, học sinh học nghề sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì? Để đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng tăng của HSSV, nhà trường mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo như thế nào?
Ngoài những chính sách chung của Nhà nước, như: miễn giảm học phí; được vay vốn tín dụng học nghề với mức vay tối đa 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV; được hưởng trợ cấp xã hội mức 140.000 đồng/người/tháng/HSSV (áp dụng đối với HSSV người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). HSSV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách trợ cấp với mức là một tháng mức lương cơ bản… Ngoài thực hiện đầy đủ, đúng, kịp thời các chính sách quy định trên, nhà trường chủ động phối hợp với doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ Quỹ học bổng “Nâng cánh ước mơ” khuyến khích HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên đạt kết quả cao trong học tập mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng.
Với định hướng hợp tác đào tạo trình độ đại học các ngành nghề đã đào tạo hệ cao đẳng, nhà trường liên kết với một số trường đại học kỹ thuật uy tín trong cả nước để tổ chức dạy tại trường. Sắp tới, trường mở Trung tâm tiếng Hàn (đã được UBND tỉnh cho phép) để dạy miễn phí cho HSSV, người lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xuất khẩu lao động. Hiện nay, trường đang đào tạo 13 ngành nghề cao đẳng, 14 ngành nghề trung cấp, 21 ngành nghề sơ cấp. Mỗi năm đào tạo từ 2,5 -3,5 nghìn học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Bên cạnh đào tạo các ngành nghề thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ, nhà trường tiếp tục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội, như: du lịch lịch sử, phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ thời kỳ 4.0.
°Xin cảm ơn Tiến sĩ
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc