Nỗ lực hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
●Thưa đồng chí, năm 2018 tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí có thể khái quát những thành quả mà tỉnh đã đạt được trong năm qua?
Năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Trong 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Trong số 17 chỉ tiêu đạt và vượt, có những chỉ tiêu quan trọng, tạo động lực để tỉnh phát triển. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,82%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 5.790 tỷ đồng (đạt 116% dự toán HĐND tỉnh giao); thu nhập bình quân đầu người trên 41 triệu đồng (vượt kế hoạch). Công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư tiếp tục được chú trọng và có bước khởi sắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản (từ 42,51% năm 2017 xuống còn 39,9%); tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ (từ 39,29% năm 2017 lên 42,2%); giáo dục và đào tạo tiếp tục được đầu tư và có nhiều tiến bộ; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được duy trì; các chính sách xã hội được quan tâm triển khai thực hiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định...
●Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng mừng, nhưng để phát triển toàn diện, theo đồng chí tỉnh cần khắc phục những tồn tại gì?
Mặc dù các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 đã thực hiện đạt kết quả tích cực như đã nêu trên, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở một số nguồn vốn còn thấp; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư còn chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều; quản lý bảo vệ rừng ở một số nơi còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép chưa được xử lý triệt để; công tác cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt; tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn còn diễn biến phức tạp...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến làm việc tại Đắk Lắk. |
●Rõ ràng năm 2018 tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, vậy năm 2019 tỉnh đã đề ra những mục tiêu và giải pháp cơ bản nào, thưa đồng chí?
Có được những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, tinh thần nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Triển khai nhiệm vụ năm 2019, tỉnh ta đã có những thuận lợi cơ bản như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng, giá cả trên địa bàn, hình thành các lĩnh vực hoạt động mới về phát triển công nghệ, công nghiệp; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh… Bên cạnh đó còn không ít khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến tiêu cực khó lường, giá cả các loại nông sản chủ lực của tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục ở mức thấp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều thủ tục phức tạp trong khi nguồn đất để thực hiện các dự án đầu tư là lâm nghiệp không còn rừng trên địa bàn tỉnh còn rất lớn... Chính vì vậy, chủ trương của tỉnh là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh (cà phê, bơ, sầu riêng…) và công nghiệp phục vụ nông nghiệp; phát huy lợi thế về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)… Từ đó, thúc đẩy khu vực dịch vụ, quan tâm phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn kết bản sắc văn hóa dân tộc.
Để thực hiện các chủ trương trên, đòi hỏi các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh phải nỗ lực hơn nữa với những nhóm giải pháp: (i) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (ii) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế; (iii) Sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai kiến trúc chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước; (iv) Nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, các yếu tố ảnh hưởng giá hàng hóa để kịp thời điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường; (v) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất.
●Xin cảm ơn đồng chí!
Giang Nam (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc