Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được triển khai như thế nào; người tiêu dùng cần có những kỹ năng gì để tránh“tiền mất, tật mang”... khi mua phải hàng không bảo đảm chất lượng...
Những vấn đề này được ông GIAO THANH TÙNG, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh trao đổi trong Chương trình “Dân hỏi -Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” kỳ này.
Ông Giao Thanh Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H.Gia |
* Xin ông cho biết đôi nét về kết quả kiểm tra, xử phạt của Chi cục QLTT (nay là Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk) đối với các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 vừa qua?
Năm 2018, Cục QLTT tỉnh thực hiện các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Cục QLTT (nay là Tổng cục QLTT), UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở Công thương, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra đồng bộ, thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ổn định thị trường. Trong năm, đã kiểm tra 1.486 cơ sở, xử lý 635 vụ với tổng số tiền thu được qua xử lý hơn 8 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2018 trong chương trình Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số Quốc gia, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 4870/QĐ-BCT ngày 29-12-2017 về việc giao nhiệm vụ và chỉ định đơn vị thực hiện chương trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh cho Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk. Kết quả đã kiểm tra 219 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 49 cơ sở, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 163 triệu đồng.
*Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết cổ truyền của dân tộc, vậy Cục QLTT tỉnh đã triển khai những biện pháp gì nhằm kiềm giảm tình trạng trên, đặc biệt là đối với các nhóm mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị?
Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó giao Bộ Công thương quản lý 8 nhóm sản phẩm, gồm: bia; rượu, cồn và đồ uống có cồn; nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Để triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Cục QLTT tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra số 720/KH-QLTT ngày 6-12-2018 về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các phòng và đội QLTT trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện các kế hoạch nhằm bảo đảm cho người dân có cái Tết an toàn trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng mua sắn hàng hóa Tết tại siêu thị Co.opmart. (Ảnh minh họa) |
*Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, ông có lời khuyên gì đối với người tiêu dùng?
Trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường có nhiều hàng hóa thật, giả đan xen thì việc tìm mua được sản phẩm chính hãng, chất lượng tốt, đặc biệt là các sản phẩm, thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người là điều mọi người cần lưu ý và chú trọng hơn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cố gắng đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng thực tế là khi dẹp xong nhóm hàng giả này thì lại xuất hiện nhóm hàng giả khác, đặc biệt là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua hàng hóa nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có chương trình hậu mãi tốt. Người tiêu dùng nên mua hàng hóa tại cửa hàng, cửa hiệu tin cậy hoặc tìm sản phẩm của các nhà sản xuất có truyền thống lâu đời và uy tín. Đặc biệt, người tiêu dùng không nên “ham” dùng đồ ngoại có thương hiệu nổi tiếng nhưng giá thành rẻ, như thế mới là người tiêu dùng thông minh…
* Xin cảm ơn ông!
Duy Tiến (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc