Cần đưa "Du lịch cà phê Buôn Ma Thuột" thành sản phẩm đặc trưng nhất
Ý tưởng xây dựng và hoàn thiện sản phẩm "Du lịch cà phê Buôn Ma Thuột" nhằm phục vụ du khách khi đến thăm Buôn Ma Thuột đã được một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo đuổi từ 15 năm trước, nhưng đến nay, sản phẩm này vẫn chưa khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Đắk Lắk.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với ông LÊ HOÀNG CƠ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch – Thương mại Dam San, một trong những người tiên phong trong việc nỗ lực biến ý tưởng trên thành hiện thực.
°Được biết từ năm 2005, ông đã quan tâm đến Du lịch cà phê, một sản phẩm khá mới mẻ trong bối cảnh du lịch Đắk Lắk khi ấy chỉ dựa vào tài nguyên rừng và danh thắng để khai thác, kinh doanh. Vậy xin ông chia sẻ về mối quan tâm ấy?
Lúc đó, tôi có tờ trình về việc mở tour Du lịch cà phê Buôn Ma Thuột gửi đến Sở Thương mại – Du lịch (nay là Sở VH-TT-DL). Qua tham mưu của sở chủ quản, cuối tháng 11-2005, UBND tỉnh có văn bản cho phép Công ty Du lịch – Thương mại Dam San mở tour du lịch trên nhằm phục vụ du khách tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 1 - 2007. Văn bản này do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lạng ký.
Về mặt quản lý nhà nước, tôi cho đó là một sự chia sẻ, riêng cá nhân anh Lạng cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch lúc ấy đều cho rằng ở vùng đất cà phê nổi tiếng như Buôn Ma Thuột cần có tour du lịch như thế để quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước; đồng thời góp phần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho cây cà phê trên vùng đất này.
Hơn thế, trong bối cảnh du lịch của tỉnh lúc ấy chỉ chủ yếu tập trung tại các khu, điểm như Buôn Đôn, Hồ Lắk… với các hoạt động cưỡi voi ngắm cảnh, thưởng thức văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số mà thôi. Những sản phẩm du lịch này đã trở nên quen thuộc, không còn khác lạ và độc đáo nữa nên không hấp dẫn du khách.
Mặc khác, về tính bền vững trong phát triển du lịch cũng đã cho thấy sự bấp bênh của nó vì tình trạng xây dựng nhà máy thủy điện trên các dòng sông khiến mực nước cạn kiệt, cảnh quan và môi trường bị tác động theo chiều hướng xấu đi; vốn văn hóa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ bị mai một; đàn voi nhà giảm sút…Vì thế ý tưởng xây dựng và triển khai sản phẩm Du lịch cà phê Buôn Ma Thuột là hướng đi thích hợp, có khả năng khai thác lâu dài, gắn liền với lợi thế, tiềm năng của Đắk Lắk, làm phong phú thêm bức tranh du lịch ở đây.
Tham quan vườn cà phê nở hoa. (Ảnh minh họa) |
°Hiện Công ty Du lịch – Thương mại Dam San đã xây dựng, triển khai sản phẩm du lịch này như thế nào và trên thực tế có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Tôi nói về khó khăn trước, đó là đời sống của người làm cà phê khá bấp bênh vì nhiều lý do: điều kiện sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, giá cả đều có những tác động bất lợi ngày càng rõ nét hơn. Mối liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà nước, tuy đã được tăng cường thực hiện theo kế hoạch, lộ trình được chính quyền địa phương hoạch định, nhưng thật tình mà nói vẫn còn lỏng lẻo, người làm cà phê vẫn “tự bơi” là chính. Vì vậy, trong quá trình hiện thực hóa sản phẩm du lịch trên, Công ty Du lịch – Thương mại Dam San (sau đây gọi là Dam San) cũng như một vài đơn vị kinh doanh du lịch khác trên địa bàn chưa nhận được sự hợp tác, liên kết bền chặt từ phía người nông dân và các cơ sở dịch vụ đính kèm, có liên quan đến cà phê. Điều đó khiến các mắt xích hình thành nên tour du lịch cà phê đúng nghĩa có lúc bị đứt gãy, không thể đáp ứng nhu cầu của du khách.
Còn về thuận lợi thì đối với Dam San, nhờ chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo cho phương án kinh doanh loại hình Du lịch Nông nghiệp – Sinh thái từ nhiều năm nay, nên có mối hợp tác và liên kết chặt chẽ với một số vùng nông nghiệp trọng điểm, trong đó có cà phê như Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana… nên sản phẩm Du lịch cà phê Buôn Ma Thuột được quảng bá, giới thiệu đến với mọi người, nhất là khách quốc tế. Họ đến với Dam San để thưởng thức, trải nghiệm tour du lịch này ngày càng nhiều.
Nhờ lượng khách quốc tế này mà Dam San có cơ hội tiếp cận và bán tour ra tại một số thị trường châu Á – Thái Bình Dương mỗi khi hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế được tổ chức, hoặc tự thân chúng tôi đi tiếp thị, mời gọi du khách đến Đắk Lắk. Qua kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 – 2019, tôi hy vọng những hạn chế, khó khăn khi triển khai sản phẩm du lịch trên sẽ được các cấp, ngành cùng cộng đồng làm du lịch ở đây quan tâm khắc phục để Du lịch cà phê Buôn Ma Thuột trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của Đắk Lắk, có tính nhận diện cao trên bản đồ du lịch Việt Nam.
°Xin cảm ơn ông!
Đình Đối (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc