Tạo sự đột phá trong tư duy phát triển du lịch
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề” được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 11 vừa qua, nhiều đề xuất để du lịch Tây Nguyên phát triển bứt phá đã được nêu lên.
Chung quanh nội dung này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với PGS.TS BÙI NHẬT QUANG, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
●Đánh giá về tiềm năng cũng như thực tế phát triển du lịch văn hóa sinh thái của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng hiện nay, ông có những nhận định gì?
Như chúng ta biết rằng, từ lâu Tây Nguyên là vùng rất đặc thù, có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Nói đến vùng Tây Nguyên thì người ta cảm nhận ngay sự khác biệt về văn hóa, về con người, người dân tại chỗ, đây là những điều rất giá trị để phát triển du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên nói chung. Có thể nói xa hơn một chút, con người vốn xuất phát từ thiên nhiên, qua một quá trình phát triển lâu dài, phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ thì đến một lúc nào đấy, nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của con người lại quay lại với thiên nhiên, thì đây là một lợi thế của Tây Nguyên để hướng vào phát triển du lịch văn hóa sinh thái.
Đắk Lắk từ trước đến nay vẫn được nhìn nhận là trung tâm của vùng Tây Nguyên, có tiềm năng du lịch rất lớn, đã có nhiều điểm du lịch được đầu tư, khai thác và ngày càng khẳng định được hình ảnh trên bản đồ du lịch vùng Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác du lịch văn hóa sinh thái của tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; quá trình khai thác vẫn còn mang tính tự phát, chưa có khả năng đầu tư chiều sâu mà chủ yếu tận dụng tài nguyên sẵn có để khai thác; sự liên kết, hợp tác vẫn còn khá “lỏng lẻo”…
●Trong phát biểu của mình tại Hội thảo, ông đề cập để tạo sự đột phá về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng rất khó, nhưng ta có thể đột phá về tư duy. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Chính xác như vậy, bởi vì phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đường sá, cầu cống và các hạ tầng khác đòi hỏi nguồn tài chính lớn, cần một quá trình lâu dài và theo một trình tự với những thủ tục liên quan. Nhưng nếu cứ bị hạn chế bởi hạ tầng như vậy thì rõ ràng sẽ khó mà có sự đột phá trong phát triển, thành ra khâu đột phá ở đây là đột phá về tư duy. Tư duy phát triển không bị hạn chế bởi vật chất mà phải đi trước. Ở đây tôi muốn nói chúng ta không chỉ quản lý du lịch, không chỉ thực hiện chính sách phát triển du lịch theo hướng là khả năng quản lý đến đâu thì mới phát triển đến đó - đó là một cách làm chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh mới bây giờ, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp mọi thứ đang diễn ra rất nhanh chóng. Chúng ta cần một chính sách có tầm nhìn dài hạn hơn, đi trước thời đại và chính sách đi trước như vậy thì sẽ tạo điều kiện, tạo khuôn khổ tốt hơn để các hoạt động du lịch phát triển được. Về cơ sở hạ tầng có thể chưa có ngay, nhưng nếu tư duy phát triển mà đi trước thì đây là nền tảng rất tốt, là cách để khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch Tây Nguyên phát triển tốt hơn.
Du khách tham quan một ngôi nhà dài của người Êđê (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H. Gia |
●Thưa ông, ông cũng đã nói, du lịch văn hóa sinh thái chính là một “nồi cơm Thạch Sanh” có thể khai thác hoài không hết, càng khai thác lại càng nhiều hơn. Vậy theo ông để phát huy, khai thác hiệu quả “nồi cơm Thạch Sanh” này, thời gian tới chúng ta phải làm những gì? Và ông có gợi mở gì cho hướng phát triển du lịch văn hóa sinh thái của Đắk Lắk?
Du lịch văn hóa sinh thái là dựa vào nguồn tài nguyên con người, tài nguyên cây cối, rừng, văn hóa… Tài nguyên văn hóa là thứ mà nếu chúng ta biết khai thác đúng thì càng khai thác càng nhiều lên, bởi vì những hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn với những điều đấy mà được thực hiện tốt thì sẽ góp phần, đóng góp thêm, làm giàu thêm nền văn hóa bản địa, văn hóa tại chỗ của vùng Tây Nguyên. Tôi cho rằng chúng ta cần có chính sách phát triển phù hợp để tạo động lực phát triển, khuyến khích sự làm giàu lên đó của văn hóa Tây Nguyên. Và nếu đầu tư tốt, có chính sách bài bản, làm tốt điều này thì chúng ta càng khai thác thì càng có nhiều thêm để tiếp tục khai thác nữa, và đây chính là sự khác biệt với khai thác tài nguyên thiên nhiên thông thường - đào lên thì nó mất đi. Đấy là giá trị nhân văn trong phát triển du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, tôi cho rằng chúng ta cần một cách tiếp cận liên ngành và liên vùng. Đắk Lắk là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên nhưng nguồn lực nói chung còn rất hạn chế, để Đắk Lắk tự mình vận động thì rất khó phát triển. Cho nên chúng ta cần có tầm nhìn rộng hơn, cần có sự liên kết. Mà nếu chỉ liên kết ở vùng Tây Nguyên không thì có thể vẫn chưa đủ, mà phải liên kết giữa vùng Tây Nguyên với các vùng xung quanh và quan trọng hơn nữa là gắn kết giữa Tây Nguyên với các cơ quan Trung ương, bởi bản thân ngành Du lịch tự nó sẽ không thể phát triển được nếu thiếu sự liên kết ngành, thiếu sự gắn kết với các vùng, miền khác nhau. Do vậy, tôi đề xuất rằng muốn phát triển du lịch văn hóa sinh thái Đắk Lắk nói riêng, phát triển du lịch của vùng Tây Nguyên nói chung chúng ta phải có cách tiếp cận liên ngành, đa ngành và liên kết vùng. Thì đấy là một cách làm có tính tổng thể, bài bản hơn, có thể tạo được nguồn lực chung, phối hợp lại phục vụ phát triển du lịch.
●Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc