Tiếp tục rà soát, giải quyết tốt chế độ chính sách cho người có công
Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7), trong Chương trình Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời kỳ này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TRẦN PHÚ HÙNG về công tác "Đền ơn đáp nghĩa", quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
•Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh thời gian qua?
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết chế độ cho hơn 14.000 hồ sơ đối tượng chính sách và giải quyết các chế độ kịp thời theo quy định; tổ chức tìm kiếm và quy tập 76 hài cốt liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia về nước. Toàn tỉnh đã huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 35 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã xây tặng 952 căn nhà Tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 688 ngôi nhà của người có công bị hư hỏng, xuống cấp và trao 506 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách có công.
Hằng năm, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công vào dịp 27-7 và Tết Nguyên đán. Hoạt động phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh còn sống đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 12 nghĩa trang liệt sỹ các huyện và Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh; 14 nhà bia ghi tên liệt sỹ ở các xã, 6 đài tưởng niệm liệt sỹ ở các điểm di tích lịch sử và 1 đền thờ liệt sỹ với số tiền gần 40 tỷ đồng…
•Theo đánh giá chung, đời sống của người có công đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp thuộc diện hộ nghèo. Vậy trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ những trường hợp này, thưa ông?
Hiện nay, toàn tỉnh có 125 gia đình chính sách có công thuộc diện hộ nghèo. Để triển khai kế hoạch giảm nghèo đối với người có công đạt kết quả tốt, Sở LĐ-TB&XH đã thành lập các tổ công tác đi từng nhà người có công thuộc hộ nghèo để nắm bắt thông tin. Trên cơ sở đó đã tham mưu cho UBND tỉnh trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh hơn 800 triệu đồng để hỗ trợ các mô hình như: mô hình bò sinh sản, heo sinh sản, cải tạo hệ thống nước sinh hoạt, cải thiện nhà ở… đối với 32 trường hợp. Đây là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần phải hỗ trợ ngay.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… hỗ trợ người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ tăng thêm thu nhập đối với những trường hợp không còn khả năng lao động, nhằm giúp người có công có cuộc sống ổn định.
Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện tiếp tục rà soát, kiểm tra tình hình thực tế hoàn cảnh gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công, trên cơ sở đó đề ra giải pháp để hỗ trợ các mô hình đối với những trường hợp còn lại để giúp họ thoát nghèo bền vững.
•Về việc giải quyết hồ sơ hưởng chế độ của người có công, xin ông cho biết thực tế triển khai thực hiện công tác này, có tình trạng tồn đọng hay gặp khó khăn gì không?
Trên thực tế, có một số hồ sơ, khi giải quyết thủ tục hành chính cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị. Mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một công đoạn và phải trình Trung ương phê duyệt kết quả. Vì vậy đòi hỏi phải có thời gian để giải quyết. Bên cạnh đó, một số hồ sơ thiết lập chưa được đầy đủ thủ tục, thiếu các thông tin phải trả lại để bổ sung, hoàn chỉnh hoặc phải xác minh… dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.
Hiện nay, Đắk Lắk không còn hồ sơ nào tồn đọng. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp kê khai có tham gia hoạt động kháng chiến, có bị thương… nhưng chưa được giải quyết chế độ ưu đãi người có công. Đối với những trường hợp này, Sở đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, phân loại và hướng dẫn thiết lập hồ sơ để giải quyết theo đúng văn bản quy định. Khó khăn lớn nhất đối với những trường hợp này là không có giấy tờ gốc hoặc không có tài liệu chứng minh tham gia hoạt động kháng chiến. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH sẽ có báo cáo, kiến nghị, đề xuất với Trung ương cần có cơ chế đặc thù để giải quyết chế độ đối với họ.
•Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc