Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm chăm sóc người có công

09:33, 08/08/2020
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà NGÔ THỊ MINH TRINH - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc chung quanh vấn đề này.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh.
°Bà đánh giá thế nào về kết quả thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện trong thời gian qua?
 
Trên địa huyện có hơn 3.000 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Trong thời gian qua, việc giải quyết các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với cách mạng được chính quyền địa phương rất quan tâm.
 
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 3 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã xây tặng 200 căn nhà Tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 400 ngôi nhà của người có công bị hư hỏng, xuống cấp.
 
Bên cạnh đó, phong trào phụng dưỡng chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện nhiệt tình hưởng ứng; hằng năm huyện đều tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà người có công nhân dịp  27-7 và Tết Nguyên đán. Đó là nguồn động lực to lớn để thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ vượt qua nỗi đau thương mất mát và tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất đạo đức cách mạng trong cuộc sống hôm nay.
 
°Trong quá trình giải quyết các chính sách ưu đãi đối với người có công, huyện có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà?
 
Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết chế độ chính sách cho người có công nhưng thực tế vẫn còn một số trường hợp kê khai có tham gia hoạt động kháng chiến, bị thương… chưa được hưởng chế độ ưu đãi do giấy tờ gốc bị mất, không còn căn cứ để xác lập hồ sơ; một số đối tượng có giấy tờ nhưng do thời gian quá lâu, đã có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính, địa hình tự nhiên của địa bàn chiến đấu và không còn nhân chứng biết sự việc nên vấn đề xác minh, thẩm định hồ sơ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực người có công còn rườm rà, kéo dài thời gian giải quyết gây không ít phiền hà cho người hưởng chính sách.
 
°Để khắc phục những khó khăn, bất cập vừa nêu, theo bà cần có những giải pháp gì để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đạt hiệu quả tốt hơn?
 
Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên là hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thuận tiện triển khai thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công. Thứ hai, huy động mọi nguồn lực của xã hội cùng chung tay giúp đỡ người có công vươn lên trong cuộc sống. Thứ ba, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn, thẩm định hồ sơ người có công. Ngoài ra cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho đối tượng chính sách, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
 
°Xin cảm ơn bà!
Như Quỳnh (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.