Bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân
Tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào ngày 23-5-2021.
Nhằm cung cấp thêm thông tin cho các tầng lớp nhân dân về sự kiện chính trị quan trọng này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí H’KIM HOA BYĂ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện những hoạt động gì nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thưa đồng chí?
Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hướng dẫn và quán triệt trong hệ thống Mặt trận về cuộc bầu cử; phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, huyện, các cơ quan giúp việc, các ban, đơn vị bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn về công tác bầu cử; ban hành kế hoạch kiểm tra giám sát bầu cử; thông báo phân bổ, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, buôn, tổ dân phố tiến hành lựa chọn, lấy ý kiến của cử tri nơi công tác, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng và lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp; tổ chức tập huấn và gửi lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử
Vậy theo đồng chí, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, có điểm nào đáng chú ý nhất trong cơ cấu của đại biểu ứng cử HĐND tỉnh nhiệm kỳ này?
Điểm mới đáng chú ý nhất trong cơ cấu của nhiệm kỳ này là giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đối với HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ này, cơ cấu tỷ lệ nữ ít nhất đạt 35%; đại biểu dân tộc thiểu số ít nhất đạt 18%; trẻ tuổi không dưới 15%; đại biểu tái cử ít nhất 30% và đại biểu người ngoài Đảng không dưới 10%.
Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam tỉnh thời gian tới trong cuộc bầu cử?
Theo quy trình và kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử; tổ chức triển khai các hội nghị ở khu dân cư để lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba chậm nhất đến hết ngày 15-4-2021 để thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử và bàn giao danh sách chính thức này cho Ủy ban bầu cử cùng cấp; tổ chức gặp mặt, hướng dẫn các ứng cử viên xây dựng Chương trình hành động để tiến hành vận động bầu cử.
Cùng với đó là triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát về việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND, phân bổ đại biểu, việc lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri, việc niêm yết công khai danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND, việc bỏ phiếu và mở thùng phiếu...
Trong các nhiệm vụ trên, việc tổ chức tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử rất quan trọng. Vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên sẽ làm gì để bảo đảm vận động bầu cử công bằng và đúng luật?
Trên cơ sở quy định của luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri về vận động bầu cử, phối hợp với Ủy ban bầu cử tỉnh phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND về các đơn vị bầu cử để tiến hành vận động bầu cử; đồng thời hướng dẫn Ban Thường trực Mặt trận cấp huyện, xã phối hợp với UBND tại đơn vị bầu cử cùng cấp chủ trì tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND gặp gỡ tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Công tác tổ chức vận động bầu cử phải được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử ở đơn vị đó. Thời gian tổ chức vận động bầu cử được bắt đầu ngay sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ. Mặt trận Tổ quốc sẽ xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát trực tiếp việc vận động bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
lTrân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
.
Ý kiến bạn đọc