Multimedia Đọc Báo in

Phát huy tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để tổ chức thành công cuộc bầu cử

08:03, 20/04/2021

Cùng với cả nước, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí Y BIÊR NIÊ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử (UBBC) tỉnh về nội dung này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu  Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Y Biêr Niê trả lời phỏng vấn Báo Đắk Lắk.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Y Biêr Niê trả lời phỏng vấn Báo Đắk Lắk.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí đánh giá như thế nào về việc triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua?

HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã ban hành 254 nghị quyết, trong đó có 87 nghị quyết là các văn bản quy phạm pháp luật. Các nghị quyết được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; cơ bản được UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, phần lớn nghị quyết của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, kế hoạch đề ra như các nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, quy định phân cấp, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020... Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại như: một số nghị quyết chưa được UBND tỉnh, chính quyền các địa phương bố trí nguồn lực thỏa đáng để thực hiện nên chưa phát huy hiệu quả, một số nghị quyết hết hiệu lực nhưng UBND tỉnh chậm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế, ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Chẳng hạn như: Nghị quyết về bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; Nghị quyết quy định điều kiện, đối tượng, mức ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức công tác trong lĩnh vực y tế, nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có ý nghĩa rất quan trọng, bầu chọn những đại biểu đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận vai trò của người đại biểu cơ quan dân cử. Đồng chí có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh thời gian tới?

Các nhiệm vụ của công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai đúng quy định của pháp luật về bầu cử và theo đúng Kế hoạch 05/KH-UBBC, ngày 9-2-2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh. Để triển khai thực hiện cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần có sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch 05, Ủy ban bầu cử tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: lập và công bố danh sách những người ứng cử (chậm nhất ngày 28-4-2021); tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền bầu cử; kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị bầu cử, công tác tổ chức bầu cử ở các địa phương, đơn vị, việc niêm yết danh sách cử tri, chuẩn bị khu vực bỏ phiếu; giải quyết kịp thời các nội dung khiếu nại, tố cáo về bầu cử (nếu có)... Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo bầu cử và Ủy ban bầu cử tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị mọi điều kiện và tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 23-5-2021 đảm bảo an ninh, trật tự, dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, đạt kết quả tốt, thực sự là ngày hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Một trong những yếu tố quyết định thành công của cuộc bầu cử là công tác tuyên truyền. Vậy, UBBC tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như thế nào, thưa đồng chí?

Xác định công tác tuyên truyền, đưa thông tin về cuộc bầu cử đến với từng người dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo... là đặc biệt quan trọng, tạo nên thành công của cuộc bầu cử, UBBC tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBBC về thông tin, tuyên truyền và cổ động cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thời gian qua, Tiểu ban thông tin – tuyên truyền, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Thời gian tới, UBBC tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan bằng pa nô, áp phích, khẩu hiệu; qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các xe loa lưu động đến tận thôn, buôn. Các nội dung tuyên truyền về bầu cử được ghi thành đĩa chuyển đến phòng văn hóa – thông tin các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã để tuyên truyền. Bên cạnh tiếng phổ thông, Ủy ban bầu cử tỉnh chỉ đạo dịch ra tiếng Êđê, M’nông. Đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền miệng tại các thôn, buôn, phát huy vai trò của cán bộ cơ sở, người có uy tín, già làng, chức sắc, chức việc...

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.