Tiếp tục nỗ lực "đồng hành, phục vụ" doanh nghiệp
Năm 2020, Đắk Lắk là một trong những tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện hiệu quả và lan tỏa nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thực hiện thành công “mục tiêu kép”, điều đó phần nào được thể hiện qua sự cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI) năm 2020 của tỉnh.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông ĐINH XUÂN HÀ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chung quanh vấn đề này.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà. |
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2020 đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức nhưng chỉ số PCI của tỉnh vẫn tăng 3 bậc so với năm 2019. Theo ông, những yếu tố nào tạo ra sự chuyển biến tích cực này?
Theo báo cáo PCI năm 2020 vừa được VCCI Việt Nam công bố, Đắk Lắk được 63,22 điểm, xếp vị trí thứ 35/63 tỉnh thành; thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế trung bình. So với năm 2019, PCI của tỉnh giảm 1,59 điểm, nhưng thứ hạng được cải thiện 3 bậc, trở lại vị trí thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng, xếp thứ 23/63).
Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, khẳng định niềm tin của doanh nghiệp (DN) về năng lực điều hành, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Trong năm 2020, cùng với các chính sách chung của Trung ương, Đắk Lắk đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, thuế, đăng ký doanh nghiệp… Các chỉ số Chi phí thời gian, Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai được cải thiện khá tốt so với năm 2019. Tỷ lệ DN được khảo sát cho biết không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, không gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đất đai trong vòng 2 năm qua đều tăng.
Tỉnh kịp thời nắm bắt, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc, thông qua nhiều hình thức như: Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; Ngày thứ Năm doanh nghiệp; Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp; Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời. Các hoạt động này ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số Tính năng động của chính quyền. Có đến 82% DN được khảo sát cho rằng vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại DN (cao hơn rất nhiều so với năm 2019 là chỉ có 6%, đưa Đắk Lắk giữ vị trí thứ 6/63 đối với nội dung này); có 75% DN đồng ý với nhận định UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh (năm 2019 tỷ lệ này chỉ có 23%).
Bên cạnh đó, Đắk Lắk triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ DN trong kết nối, gia nhập thị trường, tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ của Trung ương dành cho DN, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, thông qua tăng cường kiểm soát tốt hơn hoạt động thanh kiểm tra; thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thông tin theo quy định.
Theo số liệu khảo sát PCI 2020, số ngày DN nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp đối với Đắk Lắk chỉ có 1 ngày, giữ vị trí số 1 trong cả nước (năm 2019 là 3 ngày). Có đến 55% DN cho rằng lãnh đạo tỉnh sẽ không bao che và sẽ nghiêm túc kỷ luật cán bộ nhũng nhiễu DN, cao gấp đôi so với năm 2019 (chỉ có 29%), đứng thứ 4 cả nước…
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột. |
Báo cáo PCI có chỉ ra một số chỉ số thành phần có bước cải thiện đáng kể, đạt trên 7 điểm, ông đánh giá như thế nào về các chỉ số này? Đâu là những chỉ số thành phần quan trọng tác động vào PCI của tỉnh?
- Trong số 10 chỉ số thành phần, tỉnh có 3 chỉ số đạt trên 7 điểm gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Chi phí thời gian và Thiết chế pháp lý. Trong đó, chỉ có chỉ số Thiết chế pháp lý là cải thiện tốt về mặt thứ hạng, 2 chỉ số còn lại mặc dù có cải thiện về điểm số, nhưng thứ hạng cải thiện không đáng kể, vẫn đang ở nhóm cuối bảng xếp hạng.
Trong 10 chỉ số thành phần, Đắk Lắk có 7/10 chỉ số được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, có một số chỉ số cải thiện rất tốt như: chỉ số Thiết chế pháp lý và trật tự an toàn xã hội (tăng 1,36 điểm, cải thiện 38 bậc, từ vị trí thứ 61 lên 23); Tính năng động (tăng 0,6 điểm, cải thiện 18 bậc, từ vị trí 56 lên 38); Tiếp cận đất đai (tăng 0,46 điểm, cải thiện 24 bậc, từ vị trí 47 lên 23); Cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,73 điểm; cải thiện 16 bậc, từ vị trí 47 lên 31).
|
Chỉ số Thiết chế pháp lý là chỉ số thành phần quan trọng, một điểm sáng nổi bật của tỉnh, tác động vào PCI của tỉnh năm vừa qua. Điều này cũng phù hợp xu thế chung của cả nước khi Báo cáo PCI cũng đưa ra nhận định môi trường pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, cũng như việc giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án trong năm 2020 được đánh giá nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đa số các nội dung của chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của Đắk Lắk được đánh giá tốt hơn so với năm 2019.
Mặc dù tăng 3 bậc so với năm 2019, nhưng PCI của Đắk Lắk vẫn nằm trong nhóm trung bình. Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa Chỉ số PCI, theo ông cần thực hiện những giải pháp căn cơ nào?
Trước hết, tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành, kịp thời có kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các chương trình, kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 2 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ; các nội dung hỗ trợ DN theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công lên mức độ 3, 4; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn nhân lực và cơ hội kinh doanh của DN. Từng cấp, từng ngành chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp khắc phục các chỉ số còn thấp, đặc biệt là chỉ số Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Đào tạo lao động và Chi phí không chính thức; thường xuyên đổi mới, tăng độ tương tác của các trang/cổng thông tin điện tử của từng cấp ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai thác và tiếp cận thông tin theo quy định. Thêm vào đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, cũng như kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trong cung cấp các dịch vụ về hỗ trợ .
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Lê Hương (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc