Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong đấu giá tài sản
Thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá tài sản của tỉnh từng bước được chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch; hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THANH VŨ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết đôi nét về kết quả hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Việc đấu giá tài sản chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là từ hết tháng 6-2017 trở về trước (thực hiện lần lượt theo Quyết định 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản); giai đoạn thứ hai là từ tháng 7-2017 đến nay (thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 tổ chức đấu giá tài sản, gồm: Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh do UBND tỉnh thành lập và 8 doanh nghiệp đấu giá thành lập theo loại hình công ty hợp danh như: Công ty Trung Nam, Tây Nguyên, Đại An... Trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh đã tổ chức 428 cuộc đấu giá thành với tổng giá trị bán được hơn 314 tỷ đồng; 8 doanh nghiệp đấu giá đã tổ chức 298 cuộc đấu giá thành với tổng giá trị bán được là hơn 237 tỷ đồng.
Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh do Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện. Công tác này ngày càng được tăng cường; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong đấu giá, nhất là đấu giá tài sản công (trong đó có hơn 90% là đấu giá quyền sử dụng đất) ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Quá trình đấu giá cơ bản đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích của cả người có tài sản đấu giá và người tham gia đấu giá, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Như ông vừa thông tin, quá trình đấu giá tài sản cơ bản đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Vậy trong hoạt động đấu giá tài sản hiện nay còn có những tồn tại, hạn chế gì?
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thực tiễn cho thấy hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất là về tổ chức đấu giá: Quy mô tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, số lượng đấu giá viên, kinh nghiệm chưa phong phú nên chưa thực sự đáp ứng được những cuộc đấu giá quy mô. Bên cạnh đó, hiện tượng chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật về đấu giá, đạo đức nghề nghiệp vẫn còn, gây ảnh hưởng đến uy tín hành nghề đấu giá.
Thứ hai là trong hoạt động đấu giá: Quy định pháp luật về đấu giá vẫn còn kẽ hở, điều này dẫn đến vẫn còn việc “lách luật” trong tổ chức, thực hiện hoạt động đấu giá. Sự thông đồng trong hoạt động đấu giá ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Việc đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật trong khi nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quá trình xử lý tài sản công của một số cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc xây dựng phương án đấu giá, tổ chức định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, giám sát quá trình tổ chức đấu giá… vẫn còn thiếu sót, gây khó khăn khi thực hiện đấu giá.
Thứ ba là quản lý nhà nước về đấu giá: Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, hoạt động đấu giá tài sản nói riêng còn mỏng, vì vậy công tác quản lý nhà nước về tổ chức hoạt động đấu giá tài sản có thời điểm chưa kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tổ chức thường xuyên.
Để hoạt động đấu giá tài sản ngày càng chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả, theo ông trong thời gian tới cần có những giải pháp gì?
Hiện nay, Sở Tư pháp đang triển khai xây dựng Đề án phát triển hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh, dự kiến ban hành trong quý IV-2021. Theo đó, sẽ chú trọng vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, kiến nghị Trung ương hoàn thiện thể chế về đấu giá và liên quan đến hoạt động đấu giá để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đấu giá.
Thứ hai, bằng nhiều biện pháp, cách thức để tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt quy định pháp luật về đấu giá và các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Thứ ba, phát triển tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đấu giá, đấu giá viên thông qua cơ chế, thủ tục linh hoạt, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm và đặc biệt là hướng đến thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên để quản lý, bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ này.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá; tạo ra thế tam giác, phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đấu giá, đấu giá viên – cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá - các cơ quan, tổ chức liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng “sân sau”, thông đồng, dìm giá, “quân xanh”, “quân đỏ”, thông thầu trong đấu giá…
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá. Trước mắt, sử dụng chính thức phần mềm quản lý thông tin đấu giá để cập nhật, đầy đủ, chính xác các thông tin về đấu giá và tiến tới, nghiên cứu, ứng dụng hình thức đấu giá trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ.
Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)