Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện về vốn vay cho xuất khẩu lao động

08:38, 18/07/2021

Chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giúp người lao động có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, cải thiện cuộc sống gia đình.

Để hiểu rõ hơn về chương trình cho vay cũng như đối tượng được vay vốn, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Đắk Lắk NGUYỄN MINH HƯỚNG.

*Thưa ông, hiện người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nào?

Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk đang triển khai 14 chương trình tín dụng ưu đãi theo quy định; trong đó có chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23-9-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc theo Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình EPS).

Đến ngày 15-7-2021, chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk đã cho 96 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền cho vay trên 5,5 tỷ đồng và 8 người lao động vay ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với số tiền 800 triệu đồng. Trong đó, có 26 lao động thuộc hộ nghèo, 46 lao động thuộc hộ cận nghèo, 28 lao động là người dân tộc thiểu số và 4 lao động là thân nhân người có công với cách mạng.

*Hiện số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh được vay vốn ưu đãi khá khiêm tốn, theo ông đâu là nguyên nhân?

Sỡ dĩ chưa có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh được vay vốn ưu đãi là do quy định về đối tượng cho vay. Cụ thể chỉ có: người lao động thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; người lao động là dân tộc thiểu số; người lao động là thân nhân người có công với cách mạng; người lao động bị thu hồi đất; người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi.

Người lao động tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk.
Người lao động tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk.

Xác định xuất khẩu lao động vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, mở rộng thêm đối tượng vay vốn, ngày 9-12-2020 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND quy định về các đối tượng chính sách khác được vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng chính sách khác là: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội về lại địa phương chưa qua 12 tháng; Sinh viên, học sinh, học viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; Người lao động có mức sống trung bình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐ-TBXH; Người lao động thuộc hộ khó khăn về kinh tế do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú được vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đi xuất khẩu lao động có thời hạn.

*Để nâng cao hiệu quả chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo ông cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu lao động như thế nào?

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa giữa các sở, ngành có liên quan, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, trong đó coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ đối với đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tránh các trường hợp người lao động bị lừa đảo.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm và chất lượng tuyển chọn lao động của doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động. Có chế tài, biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, đơn vị tuyển chọn không thực hiện đúng hợp đồng với người lao động, gây thiệt hại cho người lao động và rủi ro cho nguồn vốn vay của Nhà nước.

Ngoài ra, để có nguồn lực cho vay đối với các đối tượng khác là người lao động đi làm việc tại nước ngoài đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương để người dân được vay nguồn vốn sau khi các thị trường xuất khẩu lao động mở cửa trở lại.

*Xin cảm ơn ông!

Hoàng Trần (thực hiện)

 


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.