Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Thanh niên hát dân ca và các đội cồng chiêng trẻ lần thứ I-2010:

Khi lớp trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống

09:49, 27/04/2010
Cái nắng gay gắt trong những ngày chuyển mùa của đất trời cao nguyên không hề làm giảm đi nhiệt tình của tuổi trẻ khắp trong tỉnh tụ họp tại sân khấu ngoài trời của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi Dak Lak. Nếu coi mục tiêu chính là góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng thì Liên hoan Thanh niên hát dân ca và các đội cồng chiêng trẻ lần thứ I-2010, do Hội Liên hiệp Thanh niên VN tỉnh Dak Lak tổ chức, đã thật sự thành công.
Trước hết là ở số lượng với gần 500 diễn viên thanh thiếu niên các dân tộc của 17 đơn vị đến từ 15 huyện, thành phố, thị xã tham gia Liên hoan, với 6 thành phần  dân tộc. Một cuộc tụ hội khá là đông đảo.
Sau nữa là các thể loại cồng chiêng và dân ca khá phong phú : có chưng bo và goong peh của tộc người Mnông, có dàn ching arap của tộc người Jrai, ching knă, ching kram và ching kok của người Êđê hòa chung với tiếng cồng Mường …; Bên cạnh đó là dân ca đủ cả ba miền : các liền chị liền anh quan họ mắt lúng liếng áo mớ ba mớ bảy; những bộ bà ba duyên dáng của người nông dân vùng đất Nam bộ; khăn vành dây theo kiểu hoàng hậu Nam Phương cho câu dân ca xứ Huế mộng mơ; lời ca mộc mạc của người xứ Nghệ. Nhiều nhất vẫn là dân ca của các dân tộc miền núi : những câu hát giao duyên của người Khơ Mú, người Mông, điệu hát then Tày, Nùng từ miền núi phía Bắc xa xôi đi cùng những tấm váy xòe và cây đàn tính. Làn điệu arei, k’ứt Êđê rộn ràng cất lên cùng câu hát Jrai, Bana mượt mà…Tất cả đều được các bạn trẻ hết mình trình bày, sao cho lọt tai Hội đồng thẩm định, vốn là các “ nhà” sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian không mấy dễ tính.
Một tiết mục biểu diễn của đoàn Buôn Ma Thuột    (Ảnh: Lan Anh)
Một tiết mục biểu diễn của đoàn Buôn Ma Thuột       (Ảnh: Lan Anh)

Phải khẳng định một điều rằng : trong những năm qua, việc chuyển giao cồng chiêng sang cho thế hệ trẻ ở khu vực người Êđê đã được thực hiện khá tốt. Đặc biệt với dàn ching kram (chiêng tre) vốn là phương tiện luyện tập của thanh thiếu nhiên chờ cho đến ngày được thay thế các nghệ nhân cao niên, ngồi vào dàn ching knă, khá là thành công. Đây cũng là một loại nhạc cụ để các em thỏa sức sáng tạo nên những phần múa hay hát minh họa, phụ họa rất sinh động. Có thể kể tới sự thành thạo của cả ba thế hệ ( từ nhi đồng cho đến thanh thiếu niên) của đội ching trẻ xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), không chỉ diễn tấu đều tay mà còn đối đáp rất điệu nghệ. Hoặc đội ching của buôn Knia (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), trình diễn rất có sắc thái và nhạc cảm như những nghệ nhân đích thực. Các dàn ching kram của Krông Năng, Krông Bông, Ea Kar…cũng gây được cảm tình với Hội đồng thẩm định.
 
Đối với lớp trẻ, việc diễn tấu ching đồng ( chinh knă Êđê, ching Arap Jrai, chưng, goong Mnông…) không phải dễ, bởi đòi hỏi phải có một khoảng thời gian đủ để “ nhập” được vào “hồn ching”. Thế nhưng dàn ching buôn K’mrơng A ( xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những đội thể hiện “ tay nghề” vững vàng nhất ở tiết tấu vững, sự hòa điệu nhịp nhàng, đối đáp ăn ý. Hay các đội chiêng Jrai của Ea Súp, Ea H’Leo, đều khẳng định được vị thế của mình trong con mắt không chỉ hội đồng thẩm định, mà cả ở đông đảo khán giả trẻ.
 
Tuy nhiên, việc truyền dạy diễn tấu ching mới chỉ được chú trọng ở các buôn làng Êđê, còn ở các buôn M’nông thì dường như vẫn còn thiếu vắng. Rõ nét nhất là việc đội ching của Huyện Đoàn Lak có tới 5/7 diễn viên lớn tuổi ( chính vì vậy mà khi trình diễn chưng bo – bộ 6 chiếc ching không có núm, và gong peh – bộ 3 ching có núm, các nghệ nhân chứng tỏ trình độ  rất điêu luyện).
Ở phần hát dân ca, người nghe đã rất thích thú với bài dân ca Sê Đăng “ Anh thật thương em” của đội nghệ thuật thanh niên huyện Krông Pak, hay bài dân ca Jrai “ Ayong Soach” của đội huyện Ea H’Leo. Một số bài dân ca đã được các đội dàn dựng rất sinh động, tạo nên hiệu quả sân khấu tốt, có thể khiến người xem thẩm thấu được vẻ đẹp của dân ca như các bài  hát: “Xuống chòi đi em” – dân ca Êđê, “ Đi cấy” – dân ca Thanh Hóa của đội Công an tỉnh; “ Lý ngựa ô” – dân ca Nam bộ, “ Bay đi chim” – dân ca JRai của đội huyện Ea Kar; “ Ru em” – dân ca Răk Glay của đội thành phố Buôn Ma Thuột; “ Hơ, hơ Cư Jú” của đội huyện Krông Buk …
 
Thành thực mà nói, dẫu gần như đầy đủ các thể loại dân ca, số lượng cũng nhiều hơn hẳn những tiết mục diễn tấu ching, nhưng ở phần thi dân ca chưa có nhiều những tiết mục gây được sự chú ý của khán giả, thậm chí nhiều bài trùng lặp; cho dẫu giọng hát của nhiều bạn trẻ rất vang, sáng và không kém phần truyền cảm.  Điều này cho thấy dân ca chưa được phổ biến nhiều trong thế hệ trẻ, ngoài một vài bài đã trở nên quá quen thuộc vì xuất hiện liên tục trong các Liên hoan nghệ thuật hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì số được biết đến còn quá ít ỏi. Trong khi các dân tộc Việt Nam có cả một kho tàng rất đồ sộ về dân ca. Sau nữa, vì dân ca thường ngắn, láy đi láy lại nhiều lần về phần lời nên nếu không chú trọng ở khâu dàn dựng sáng tạo để làm cho phần trình diễn hấp dẫn và gây được hiệu quả sân khấu thì sẽ rất khó gọi là hay. Sự “khó tính” của Hội đồng thẩm định còn thể hiện ở chỗ  không trao giải cho khá nhiều những bài hát do các đoàn lựa chọn, chỉ là ca khúc phát triển từ chất liệu dân ca, mà không phải là dân ca nguyên gốc hay được đặt lời mới… hoặc được viết từ chất liệu dân ca các vùng miền khác hay các bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc là những sáng tác khí nhạc có tác giả…
 
Một sự tiếc nuối nữa là về một nghề thủ công độc đáo, đã từng rất được trân trọng ở khắp Tây Nguyên nay trở nên thiếu vắng, đó là nghề “ gọi hồn cho ching” ( chỉnh chiêng), khiến cho một số bộ ching có những chiếc bị rè, lạc điệu trong cả dàn. Hoặc sự “ lắp ghép” khiên cưỡng của một vài động tác múa của nghệ thuật quần chúng, không phù hợp với tính chất múa của tộc người, cũng như sự “ linh thiêng” mang tính tâm linh của một số bài ching cổ truyền. Sự giao thoa văn hóa là cần thiết và cũng không dễ tránh, nhưng làm sao để gìn giữ được những tinh hoa nguyên gốc mới là việc khó và rất cần thiết ( ví dụ như sự “cải tiến” đem vòng kong tuôr bạc vốn được đeo ở cổ chân, lên đeo ở cổ tay – vì không có những chiếc kong đồng, thì…khó mà chấp nhận nổi).
Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị
Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị           (Ảnh: Lan Anh)

Hội đồng thẩm định và Ban tổ chức đã quyết định trao giải nhất toàn đoàn cho đội Huyện Đoàn Krông Pak, giải nhì cho Huyện Đoàn Krông Buk. Ngoài ra còn có 3 giải nhất dành cho các đội chiêng huyện Cư Kuin, huyện Buôn Đôn và  thành phố Buôn Ma Thuột. Đồng giải nhất dân ca  là cặp song ca  Sê Đăng của  Huyện Đoàn Krông Pak và tốp ca nữ dân ca Răk Glay của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột.
Cho dù còn một vài khiếm khuyết, nhưng Liên hoan Thanh niên hát dân ca và đội cồng chiêng trẻ đã tạo nên một không khí mới cho thế hệ trẻ về việc phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật truyền thống. Theo lãnh đạo của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Dak Lak, thì chắc chắn từ nay sẽ hai năm một lần tổ chức cuộc liên hoan này. Hy vọng lần sau sẽ thành công hơn.

                        H’Linh Niê

Ý kiến bạn đọc