Đi ăn đám cưới người Cơ Tu
16:38, 07/05/2010
Ngày nay, hưởng ứng việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, đám cưới của người Cơ Tu đã bỏ đi những tập tục rườm rà, chỉ cô đọng lại những lễ chính thức như miêu tả dưới đây mà chính tác giả có dịp được mời tham dự tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang – TP. Đà Nẵng).
Đoàn nhà nữ nhúng ngón tay vào chén nước suối có viên đá trắng. |
Trong nhà, người ta đã trải hai dãy chiếu để đón tiếp nhà gái, dãy chiếu ở giữa nhà - trước bàn thờ ông bà dành cho nam, còn nữ thì ngồi dãy chiếu một bên. Sau đó, nhà nữ đem trình rượu lễ, trầu cau, trà thuốc ra để thưa chuyện… Một lát sau, người nhà trai bưng vào một rổ lớn thịt, chia cho mỗi người một cục thịt bò, tiếng Cơ Tu gọi là “patró”. Hai bên gia đình vừa ăn patró vừa uống rượu. Sau đó gà, xôi, cá được dọn lên, và kèm theo một cái thau đồng cổ (thau không). Hai bên gia đình vừa ăn vừa uống rượu, nói chuyện và hát lý. Khi hai bên gia đình đã thống nhất nội dung thảo luận, cha của cô dâu và chú rể, đứng lên trước bàn thờ ông bà, cùng cắn vào cái miệng thau, tiếng Cơ Tu gọi là “pan hâm tay”. Lý giải cho tục lệ này, già làng Đinh Văn Rời 83 tuổi nói: “Hai bên gia đình nhà trai và nhà gái đã thống nhất, tức “đồng” một lòng, một dạ… không thay đổi, hai vợ chồng không bỏ nhau…”. Sau đó, lễ cúng ông bà được tiến hành, trên bàn thờ gồm hoa, hương đèn, chuối, gà…, đặc biệt phải có một cặp cá suối (cá trắng) đã nướng chín, được cắm chúc đầu trên hai chiếc đũa. Tiếp theo, hai bên gia đình (khoảng 10 người) đến lạy và khấn vái. Đặc biệt họ khấn rất to, rất say sưa và mạnh ai nấy khấn… Sau khi cúng ông bà, nhà gái có buộc sẵn hai con heo nằm bên hè nhà. Đại diện nhà trai thọc huyết một con và hứng lấy tiết trao cho cha của cô dâu, ông lấy ngón tay chấm vào chén tiết và quẹt trên trán những người có mặt trong nhà, lệ này tiếng Cơ Tu gọi là “đhơơi xơnơ”. ông Trí cho biết: ”Ngày xưa, giữa các bộ tộc, có nơi có lúc xảy ra hiềm khích, đánh nhau gây đổ máu, có hại cho sự trường tồn và phát triển của từng bộ tộc. Ngày nay, chúng ta làm sui gia với nhau, mọi sự hiềm khích, mâu thuẫn ngày xưa đều bãi bỏ hết, cùng nhau đoàn kết để tồn tại và phát triển…”. Sau những tập tục cưới hỏi này, họ công nhận đôi trai gái đó chính thức là vợ chồng.
Hai người cha của cô dâu và chú rể cùng cắn vào thau đồng. |
Ngoài ra, nhà trai có che rạp đám cưới trước sân, có thuê nhạc, quản trò, nhờ người Kinh đến nấu các món ăn, có mời bà con lối xóm, bạn bè… Tuy nhiên trong tiềm thức sâu xa, họ vẫn xem lễ cưới chính thức và có giá trị khi tổ chức theo tập tục cổ truyền của người Cơ Tu, đương nhiên trước đó, họ đã đăng ký kết hôn tại UBND xã.
Trai gái Cơ Tu hay chọn mùa xuân để làm đám cưới. Nếu có dịp ghé thăm bản làng của bà con dân tộc Cơ Tu vào mùa cưới, bạn sẽ thấy người Cơ Tu rất thân thiện và hiếu khách, họ vui vẻ mời bạn thưởng thức món “patró”, rất thơm ngon, và hấp dẫn…được chế biến theo một “công thức cổ”, truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Lê Quốc Kỳ
Ý kiến bạn đọc