Đờn ca tài tử Nam Bộ
Vào đầu thế kỷ 20, âm nhạc tài tử miền Nam đã hình thành nhờ các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống âm nhạc đất thần kinh vào tận nơi đây.
Vào khoảng năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuất bôn, một nhạc quan của triều đình Huế là Nguyễn Quang Đại (tục gọi là Ba Đợi) vào đất Nam Kỳ sống ở vùng Đa Kao, Sài Gòn, sau đó xuống dần đến Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An). Tại đây, ông dạy và phổ biến nhạc lễ, nhạc tài tử có cải biên , các thế hệ học trò của ông rất đông, nhiều người nổi tiếng như: Năm Xem, Sáu Thời, Ba Đông, Út Lăng..., lớp sau có Tư Huyện, Bảng Hàm, Văn Vĩ, Sáu Thoán ...
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ở Nam Bộ đã hình thành hai nhóm ca nhạc tài tử và tranh đua với nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, nâng cao trình độ sáng tác để có thêm nhiều bài bản mới bổ sung vào. Trưởng nhóm miền Tây là ông Trần Quan Quờn (tức Ký Quờn), trưởng nhóm miền Đông là ông Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại). Ông Ba Đợi có công lớn, đã ra sức nghiên cứu, cải biên các bài bản gốc của ca nhạc cung đình Huế bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp song vẫn tôn trọng bài bản, để tạo một nhịp điệu hòa hợp với ngôn ngữ, phong cách của dân Nam Bộ, để sau đó thâm nhập vào quần chúng nông thôn.
Nếu như nền nhạc lễ cung đình biểu trưng cho nền văn minh, văn hóa đất Phú Xuân, thì ca nhạc tài tử, cải lương biểu hiện cho văn minh, văn hóa Nam Bộ. Hơn nữa, nó vừa mang tính nét trang trọng, cung kính của nhạc lễ, vừa êm dịu ngọt ngào để hòa vào tâm hồn những con người vừa định cư ở vùng đất mới mà lòng không nguôi thương nhớ về quê hương xưa. Nó phù hợp và đáp ứng mọi khía cạnh tình cảm con người và hoàn cảnh cuộc đời. Có đủ bốn điệu : Bắc, Hạ, Nam, Oán và có bốn hơi: Xuân , Ai, Hào, Ngự, chia ra 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán , 7 Ngự. Vẫn bản nhạc đó, người ta chỉ cần thay vào lời mới là sát hợp trong mọi hoàn cảnh như quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình, thất sủng... nên rất đắc dụng, nó tồn tại và phát triển hàng thế kỷ qua và sẽ lưu truyền mãi mãi, bởi nó là tiếng lòng.
Chữ ’’tài tử’’ ở đây có nghĩa là ’’người tài tử’’ mà cũng có thể hiểu là ’’không chuyên nghiệp’’. Không chuyên nghiệp chưa phải là tài nghệ không cao, không cần luyện tập. Những người nổi tiếng trong giới tài tử là những bậc thầy, bài bản đầy đủ, lại có những ngón đàn kỳ diệu, độc đáo.
Buổi sinh hoạt của một nhóm đờn ca tài tử Nam Bộ (Ảnh: T.L) |
Sự kiện nổi bật nhất trong quá trình phát triển của nhạc tài tử miền Nam là việc nghệ sĩ Sáu Lầu sáng tác bài ’’Dạ cổ hoài lang’’. Nghệ sĩ Sáu Lầu tên thật là Cao Văn Lầu, sinh năm 1890 tại xã Thuận Lễ, nay là Thuận Mỹ, tỉnh Long An. Năm lên sáu tuổi, ông theo cha về Bạc Liêu. Năm 21 tuổi lấy vợ, tám năm sau vì vợ không sinh con để nối dõi nên bị mẹ buộc ông phải ly dị, ông đành xa người vợ thân yêu. Ông buồn mà đặt ra bài ’’Hoài lang’’ vào năm 29 tuổi. Nhạc sĩ Bảy Kiên đề nghị cùng ông nên thêm hai chữ ’’Dạ cổ’’. Ông Sáu Lầu là học trò của ông Nhạc Khị, thường gọi là ông Hai Khị, thầy đàn tại Bạc Liêu.
Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nào được như bài ’’Dạ cổ hoài lang’’ từ một sáng tác cá nhân biến thành một sáng tác tập thể, nó trở thành bài nòng cốt trong 20 bài Tổ của đờn ca tài tử ca nhạc cải lương, và lan nhanh khắp cả Nam Bộ.
Mục đích của đờn ca tài tử sau này là phục vụ vô tư trong các lễ hội, đình đám, đám giỗ, đám cưới ... Những ban đờn ca tài tử không cần vụ lợi, không cần thù lao mà chỉ để giúp vui mang tính cộng đồng sâu sắc, bình đẳng giữa mọi người. Ai biết đờn thì đờn, ai biết ca thì ca, dù chỉ một bài cũng được. Những người không biết đờn ca, dù là già trẻ, người đi đường cũng có thể ghé lại tham gia nếu thích. Ban đờn ca nào dù ở xóm, ấp cũng đều có đông đảo khán, thính giả trung thành. Cuộc chơi không hạn định giờ giấc. Đến khuya, khi mọi người cảm thấy chưa thỏa mãn thì hẹn lại vào buổi tối hôm sau.
Thú đờn ca tài tử còn vì phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gắn với thiên nhiên. Ngoài số cuộc chơi ở lễ hội, đình đàm ngồi trên giường, trên bộ phản có trải chiếu bông nghiêm trang, phần nhiều các ban đờn ca tài tử thích chơi giữa cảnh trời trăng mây nước. Có thể chơi ở dưới bóng cây xoài, bên gốc me, trên gò đất cao bên cạnh ao làng được bao phủ bốn bề là đồng lúa xanh tươi. Cũng có thể tổ chức chơi trên thuyền thả xuôi theo dòng sông trôi êm ả giữa cảnh trăng nước nên thơ. Ở nông thôn Nam Bộ, việc biết đờn ca tài tử là lẽ đương nhiên. Trên đường đi câu, đi gặt lúa, nhất là khi chèo thuyền một mình trên sông rạch hoặc chống xuồng ba lá đi vào rừng tràm U Minh, Đồng Tháp, không ai giấu nổi tình cảm trắc ẩn riêng tư. Những bài ca vọng cổ nằm lòng, bài ruột sẽ trào dâng. Không ai nghe thì tự mình ca cho mình nghe cũng thấy đã !
Ngày nay, ca nhạc tài tử Nam Bộ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với cư dân vùng sông nước. Đã có rất nhiều cuộc thi ’’Đờn ca tài tử’’ được tổ chức trong những năm gần đây, thể hiện sức sống mãnh liệt của bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
Ý kiến bạn đọc