Multimedia Đọc Báo in

Học tập văn hóa ứng xử từ lời cảm ơn của Bác

14:30, 19/05/2010

Nhà thơ Hằng Phương (1908 – 1983) là bạn đời của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan. Có một chuyện kể rằng, Hằng Phương rất mong gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại sợ mất thời gian của Người nên đã biếu Bác gói cam kèm với một bài thơ thể hiện tấm lòng kính yêu của bà với Chủ tịch. Bài thơ của bà như sau:

Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu
Đắng cay Cụ nếm đã nhiều
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam
Anh hùng mở mặt giang san
Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi.

Đó là vào khoảng đầu năm 1946, trong hoàn cảnh đất nước đang đứng trước những gian khổ cam go chưa từng thấy, nói như các nhà sử học là “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhận được quà, Hồ Chủ tịch rất xúc động, song khổ nỗi là không biết địa chỉ của người biếu cam và bài thơ trên. Trăn trở mãi, cuối cùng Người quyết định gửi lời cảm ơn đăng trên báo Tiếng Gọi Phụ Nữ. Sau những lời cảm tạ chân thành, Bác cũng viết một bài thơ lục bát để đáp lại tấm lòng của người biếu cam đồng thời là tác giả của bài thơ:

Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đặng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?
Bác Hồ với người dân Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng (Ảnh: T.L)
Bác Hồ với người dân Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng (Ảnh: T.L)

Từ bài thơ cảm ơn của Bác, đã qua hơn sáu mươi năm rồi, song đến nay chúng ta vẫn rút ra nhiều bài học quí giá về cách ứng xử đầy nét văn hóa của một nhân cách lớn. Trước hết là tâm trạng băn khoăn khi nhận quà biếu của người khác, dù đó chỉ là một gói cam nhỏ: “Nhận thì không đặng, từ làm sao đây!”. Đó là đức liêm khiết cao cả, suốt đời Bác chỉ nghĩ đến đất nước, đồng bào, chưa hề toan tính đến lợi ích cá nhân. Bài học đạo đức cách mạng mà mỗi chúng ta hôm nay học tập và làm theo là từ những việc làm tưởng chừng vô cùng nhỏ ấy lại có sức lay chuyển lớn, tác động sâu xa vào lòng người.
Ở bài thơ trên, cách xưng hô của Bác cũng biểu hiện rất rõ vẻ đẹp của văn hóa người Việt. Lúc đó, ở cương vị là Chủ tịch lâm thời một đất nước, lại là người lớn hơn nhà thơ Hằng Phương đến gần hai mươi tuổi, vậy mà Bác vẫn xưng hô “ bà” một cách trang trọng, nêu cụ thể lời cảm ơn và lý do cảm ơn để người nhận hiểu rõ lòng mình. Bản thân mình cảm ơn một người và trong một hoàn cảnh cụ thể,  bài thơ vẫn toát lên truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần lạc quan cách mạng của Bác:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?

Nếu đọc kỹ, hai câu kết bài thơ là một lời phúc đáp chí tình của Bác. Nghệ thuật chơi chữ tài hoa, hóm hỉnh thể hiện rõ tâm hồn giàu ý và vị mang đậm cốt cách phương Đông ở Người. Chữ “cam” vừa nhắc đến quà biếu của người cho, vừa muốn nhắc lại ý thơ của bà Hằng Phương trong câu “ ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây”, vì “cam” trong chữ Hán cũng có nghĩa là ngọt.
Quả vậy, từ một bài thơ ngắn để bày tỏ lời cảm ơn của Bác đối với một công dân nước Việt, ta vẫn nhận ra nhiều điều quý báu từ tâm hồn và nhân cách của Người. Có lẽ sức sống mãnh liệt của hình ảnh Bác Hồ trong lòng nhiều thế hệ trên khắp năm châu cũng xuất phát chính từ chiều sâu văn hóa ấy.

Trần Du Tử

 


Ý kiến bạn đọc