Người dân buôn Trinh giữ gìn nghề truyền thống
Cách trung tâm thị xã Buôn Hồ khoảng 1 cây số, buôn Trinh nằm ẩn mình bên bến nước, cạnh con suối Drây Ga, nơi đây còn lưu giữ được một số nghề truyền thống của người Êđê như làm rượu cần, dệt thổ cẩm. Trong đó, phải kể đến là nghề dệt thổ cẩm, với khoảng 30 hộ dân hằng ngày cần cù dệt nên những sản phẩm áo, khố, mền, khăn…
Amí Y – Thin, phụ trách tổ dệt Hợp tác xã (HTX) thổ cẩm buôn Trinh cho biết, ban ngày chị em trong buôn vẫn đi làm nương rẫy, đêm đến, khi mọi công việc đã xong thì những phụ nữ Êđê bắt đầu ngồi bên khung cửi để dệt vải. Đó là thời gian thích hợp nhất để chị em làm công việc này, có người còn ham làm đến rạng sáng hôm sau mới nghỉ tay để có được sản phẩm vừa ý. Còn amí Y – Yen, một trong những thợ dệt có thâm niên tay nghề khá nhất buôn thì bộc bạch, với amí, dệt thổ cẩm là một niềm đam mê, nhờ khéo tay và khéo tiếp thị mà hầu hết các sản phẩm amí làm ra đều bán hết. Ngược lại, chị H’Loan Mlô thì buồn rầu: sản phẩm của gia đình làm ra hàng năm bán được rất ít, có khi vài ba tháng mới bán được một chiếc váy, nhưng chị vẫn dệt để khỏi lụt tay nghề, chờ khi có khách du lịch vào buôn tham quan nhà cộng đồng, bến nước thì chị mới có cơ hội chào bán sản phẩm. Đối với bà H’Linh M’lô, dệt thổ cẩm không phải là nghề kiếm sống của gia đình, nhưng bà vẫn duy trì và dạy dỗ con cháu biết làm quen với khung cửi, bởi đơn giản những chiếc khung đó đã tồn tại từ bao đời nay trong ngôi nhà sàn của mình rồi. Tuy vậy, bà cũng như nhiều amí luôn băn khoăn, liệu trong tương lai, các con, cháu gái của buôn mình có mặn mà với nghề này?.
Amí Thin bên những sản phẩm do mình làm ra. |
Hằng năm, được sự quan tâm của các sở, ngành chức năng, tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghề thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm tại nhà cộng đồng buôn. Cán bộ HTX cũng thường xuyên đến tận nhà động viên chị em chú tâm phát triển nghề dệt để duy trì nghề truyền thống và tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Thực tế, các hộ buôn Trinh giữ được nghề dệt thổ cẩm không phải là ít, nhưng trong quá trình phát triển đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là giá nguyên liệu quá cao, phải mất từ 150 đến 200 ngàn đồng tiền sợi mới dệt được một chiếc chăn loại nhỏ, bán ra lợi nhuận không đáng là bao, nhiều người đã phải chấp nhận lấy công làm lãi. Chưa kể đầu ra cho sản phẩm đều do các hộ tự xoay xở, hoặc chờ có hội chợ triển lãm thì các cấp, ngành mới dành cho một gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm, nhưng cũng rất hiếm hoi. Chị H’Men M’lô cho hay, hầu hết sản phẩm làm ra đều phải tự mình đi bán, hộ nào quen biết được nhiều thì giao cho các mối hàng, còn lại phải mang đến các buôn khác, hoặc đưa ra chợ. Hơn thế, các nghệ nhân đều phải dệt thổ cẩm tại gia, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có kế hoạch điều hành thống nhất. Amí Y –Thin cho biết, làm tại gia có thể tranh thủ được thời gian rỗi, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối lo, đặc biệt là số lượng sản phẩm làm ra thất thường, lúc ít, lúc nhiều dẫn đến tình trạng thiếu hoặc thừa. Mong muốn lớn nhất của bà con là có một xưởng dệt đặt tại khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng buôn để thu hút nhiều chị em đến đây sản xuất hoặc học việc, có như thế mới tạo nên một sức sống mới cho nghề dệt thổ cẩm tại buôn Trinh.
Ý kiến bạn đọc