Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai trẻ có “duyên” với... đá

11:14, 25/06/2010
Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn trong con hẻm nhỏ ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) từ lâu đã  trở thành điểm đến của những người “mê” đá khi họ có dịp đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên. Mặc dù năm nay mới bước vào tuổi 23, nhưng Lê Tài đã là chủ nhân của những tác phẩm đá nghệ thuật có giá trị.
Hơn 500 mẫu hóa thạch từ cá, ốc anh vũ, gỗ, lá, quả, sâu… là một gia tài hóa thạch đồ sộ mà chàng trai trẻ Lê Tài sưu tập những năm qua. Chưa kể, anh còn có một số lượng lớn những viên đá dị thường, tác phẩm điêu khắc từ các loại đá quý. Tất cả đều được anh bỏ công tìm kiếm sưu tập từ các vùng miền trong nước như Gia Lai, Dak Nông, các tỉnh phía bắc đến đất nước Nhật Bản.  
Lê Tài đang
Lê Tài đang "khoe" tác phẩm ốc hóa thạch lớn nhất Việt Nam của mình

Vốn đam mê sinh vật cảnh từ nhỏ, lên lớp 10, Tài trở thành hội viên Hội sinh vật cảnh Trung tâm văn hóa tỉnh. Ban đầu chỉ là những chuyến “đi theo” các bậc tiền bối trong hội, rồi niềm đam mê cứ lớn dần lên trong tâm hồn cậu học trò nhỏ. Năm 2006, Tài được Liên hiệp Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh cử sang Nhật học nghề trồng và chăm sóc hoa. Nhưng, niềm đam mê đá quá lớn, nên sau gần hai năm ở nước ngoài, anh đã dành phần lớn thời gian tìm hiểu và sưu tầm đá. Đến khi về nước anh cũng bắt đầu sự nghiệp của mình từ đá. Chơi đá không phải cứ muốn là được, theo anh, những người săn đá thường ví hành trình của mình là cuộc tìm kiếm nhân duyên, bởi "duyên" là yếu tố đầu tiên để viên đá và người chơi gặp nhau. Nhiều lúc cùng một viên đá, có người nhìn thấy nhưng bỏ qua, chỉ đến khi gặp được người có “duyên" với nó mới thấy được cái hồn của đá. Lại có người tìm được đá rồi, nhưng chưa tìm được cái "thần" của đá, đem đá về nhà nhìn ngắm mấy tháng trời mới phát hiện được giá trị đích thực của nó. Một nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá là phải tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên thông qua việc giữ nguyên hình dạng ban đầu của viên đá. Nếu gia công đục đẽo đá theo ý người chơi, thì cần biết viên đá đó gần giống vật gì sẽ tạo cho giống vật đó. Để hoàn thành một tác phẩm đá, đôi khi Tài phải mất hàng tháng trời chế tác nên tác phẩm giá trị hàng chục triệu đồng. Tài cho biết, việc chế tác đá nghệ thuật thường dựa theo các đề tài về tình yêu hoặc tích cổ như tượng Di lặc, ông Tiên, và các hoa vân trên đá…
Anh Tài với các tác phẩm chuẩn bị đưa đi triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Anh Tài với các tác phẩm chuẩn bị đưa đi triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Để đánh giá viên đá quý hay không, trước hết phải dựa vào độ cứng và trong của nó, trong đó, điều quan trọng là phải có phần đôn phù hợp với tác phẩm, như dân gian từng nói: “Hòn đá lên đôn phải tôn hoàng đế”. Tác phẩm đá nghệ thuật của Lê Tài từ các mẫu hóa thạch, ngọc , thạch anh, mã não đến thư pháp, điêu khắc, họa trên đá… được người yêu đá trong và ngoài nước biết đến qua những lần triển lãm Festival hoa Đà Lạt, Festival Tây Sơn-Bình Định, Hội Hoa xuân Tao đàn TP. Hồ Chí Minh… Hiện, Tài đã và đang hoàn thành hàng chục tác phẩm với chủ đề “Rùa” để tham gia triển lãm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào tháng 10 tới. Thật không bỏ công, từ niềm đam mê sưu tầm và sự sáng tạo anh đã trở thành người có “duyên” với đá và là thành viên nhỏ tuổi nhất Ban quản trị Diễn đàn người chơi đá Việt Nam.
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.