Multimedia Đọc Báo in

Festival Huế 2010 - Nơi hội tụ những di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc

14:24, 11/06/2010

Trong không gian lộng lẫy hoành tráng của âm thanh, màu sắc, ánh sáng Festival Huế 2010 đã thực sự trở thành một “đại tiệc” văn hóa cho người dân Huế và du khách bốn phương.

Đoàn Nghệ thuật Traine Savates - Pháp trình diễn tại Festival 2010.
Đoàn Nghệ thuật Traine Savates - Pháp trình diễn tại Festival 2010.
Nhiều người lâu nay vẫn hoài nghi lo ngại về sự lặp đi lặp lại của các chương trình Festival trước  như “Lễ Tế Giao”, “Truyền Lô”, “Đêm hoàng cung”… sẽ làm người xem nhàm chán. Thế nhưng khi được thưởng ngoạn tour trình diễn đầu tiên của Festival 2010 (9 ngày Festival Huế được chia thành 3 tour, mỗi tour 3 ngày, các chương trình trong mỗi tour giống nhau), mọi hoài nghi gần như tan biến. Bởi ngoài những lễ hội được tái hiện đặc sắc trở thành thương hiệu như “Lễ Tế Giao”, “Đêm hoàng cung”, “Huyền thoại Sông Hương”… được hoàn thiện tỷ mỉ cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, tại Fesstival 2010, còn có thêm những lễ hội mới lần đầu được dàn dựng công phu qui mô lớn mang đậm dấu ấn văn hóa Huế như các chương trình lễ hội “Hành trình mở cõi”, “Thao diễn thủy binh thời Chúa Nguyễn”, “Vọng thiên niên”, “Hơi thở của nước”, “Đêm Phương Đông”…Chính sự mở rộng không gian lễ hội với nhiều chương trình văn hóa “mở”, nên  Festival Huế 2010 không chỉ là nơi trình diễn vinh danh văn hóa Huế, mà còn là nơi hội tụ của nhiều loại hình di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nhân loại. Theo ông Nguyễn Duy Hiền - Phó Ban tổ chức Festival Huế 2010, thì đến với Huế trong dịp Festival 2010 có 70 Đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ, trong đó có 53 đoàn nước ngoài bao gồm: Pháp (đối tác chính), Argentina, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Cuba, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mêhicô, Na Uy, Nga, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, CH Trung Phi, Trung Quốc, Ukraina, Scotland, Senegal… Đặc biệt trong đó có nhiều đoàn nghệ thuật đại diện cho các thành phố cố đô, các vùng miền có di sản văn hóa thế giới như Nam Ninh (Trung Quốc), Bu San (Hàn Quốc), Okinawa (Nhật Bản), Odissi (Ấn Độ), đoàn ca múa nhạc dân gian Zvontsy (Nga)… Trong nước thì có các đoàn nghệ thuật của Dak Lak (cồng chiêng), Bắc Ninh (Quan họ), Hà Nội (ca trù)… với rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn  phong phú và hấp dẫn như: ca múa nhạc, xiếc, kịch câm, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm..,
Nhiều tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật quốc tế đến với cố đô Huế đã góp phần làm nên ‘đại tiệc” văn hóa cho Festival Huế như:  Nghệ sĩ guitar Paco Rentería - người được Tổng thống Felipe Calderón phong là “đại sứ âm nhạc Mexico tại nước ngoài”, cũng là người dẫn đầu các sự kiện văn hóa của Mexico trên toàn thế giới trong năm 2010 nhân kỷ niệm 100 năm cách mạng Mexico và 200 năm ngày độc lập Mexico. Paco Rentería đã sáng tạo thể loại âm nhạc freeplay của riêng ông, thể hiện sự tự do trong việc phối hợp các loại nhạc cụ khác nhau nhằm mang tới khán thính giả những cung bậc cảm xúc cao nhất. Ông được ca ngợi là “nghệ sĩ guitar thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Mexico”.
Nghệ sĩ Diogal - đến từ Senegal với dòng âm nhạc pha trộn giữa các nhịp điệu truyền thống vùng Tây Phi và pop-folk. Sau thành công của hai album nhạc phát hành tại quê hương, Diogal đến Pháp định cư và liên tiếp đoạt hai giải thưởng của Đài phát thanh Pháp nhờ hai album Samba alla (2002) và Liir (2004). Các ca khúc của anh đề cập những vấn đề về bản sắc văn hóa, về hòa bình, về sự bất đắc chí khôn cùng và thân phận nhỏ bé của kiếp người...
   Nghệ sĩ người Israel Shlomo Gronich là người sáng tác và biểu diển các thể loại nhạc cổ điển, nhạc pop, nhạc jazz, nhạc phim, nhạc khiêu vũ, v.v…, đồng thời cũng là một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc và có một giọng hát mê hồn.
  Hai nghệ sĩ vĩ cầm trứ danh người Na Uy là Olav Luksengard Mjelva và Anders Hall đã trình diễn những giai điệu sống động mượt mà của dân ca vùng Bắc Âu qua tiếng đàn hardanger và viola. Các tiết mục của ban nhạc Curtis King đến từ Hoa Kỳ là sự kết hợp giữa phong cách âm nhạc hiện đại phương Tây và những nhạc cụ truyền thống của Á Đông và nhạc Việt…
Bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi là những nhóm nhạc, những đoàn nghệ thuật lừng danh thế giới đại diện cho các vùng miền văn hóa đặc sắc đến từ năm châu lục như: Nhóm nhạc Los Tradicionales - một trong những thần tượng âm nhạc ở đảo quốc Cuba đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Được thành lập từ năm 1952, nhóm nhạc năm thành viên này đem đến cho khán giả khắp các châu lục những thanh âm độc đáo của các loại nhạc cụ bản địa như marimbula, maracas, requinto-guitar. Đoàn nghệ thuật Siphon Cosmique (Pháp) với năm chiếc xe máy cày được trang trí thành năm sân khấu lạ mắt và vui nhộn, với sự trình diễn pha trộn nhiều loại hình: điện ảnh, hài kịch, múa, múa rối, âm nhạc... Ban nhạc Kimotion Vs2  là ban nhạc nổi tiếng đến từ nước Mỹ. Dàn nhạc Mi22 đến từ Đan Mạch, là dàn nhạc Funk-Big đầu tiên, lâu đời nhất và lớn nhất của Đan Mạch, gồm 13 nhạc công chơi nhạc cụ hơi, ban nhạc đệm và một ca sĩ. Đến với Festival lần này còn có sự góp mặt của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Nam Ninh (Trung Quốc), Đoàn múa cổ điển Odissi (Ấn Độ), Đoàn kịch câm Nhật Bản…
  Sự góp mặt đông đủ của các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước và trên thế giới đã góp phần làm cho Festival Huế 2010 thực sự hấp dẫn  với chất lượng nghệ thuật cao. Có thể nói Festival Huế 2010 là nơi gặp gỡ hội tụ những di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc của nhân loại lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Và đây cũng là lần đầu tiên không chỉ người dân thành phố Huế mà người dân các vùng nông thôn ở Thừa Thiên - Huế và du khách bốn phương đã được tận mắt thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc do chính các nghệ sĩ lừng danh thế giới thể hiện.
Ngô Minh Thuyên

Ý kiến bạn đọc