Hà Nội tôi ơi !
14:23, 11/06/2010
Tôi chợt phát hiện ra là mình luôn nhớ Hà Nội.
Trong suốt ba mươi mốt năm xa “trái tim của cả nước” về Tây Nguyên đầy nắng và gió, vì nhiệm vụ công tác, tôi đã có nhiều dịp trở lại, có khi tới sáu, bảy lần trong một năm. Vậy mà nỗi nhớ Hà Nội dường như chưa bao giờ nguôi ngoai.
Điều này cũng dễ lý giải thôi. Bởi tôi đã lớn lên ở Hà Nội, từ lúc bắt đầu tại nhà số 13 Thụy Khê ngay sau khi rời ATK về ( năm 1955). Và chỉ thật sự rời Hà Nội năm 1979, sau ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Hơn nữa còn bởi Hà Nội đã cho tôi nhiều quá, không chỉ là tri thức suốt từ tiểu học đến hết hai chương trình đại học âm nhạc, mà còn có những điều lớn hơn thế nhiều, đối với tôi, một người đã dành hết phần đời còn lại làm công việc sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian.
Có một câu chuyện nhỏ mà mỗi lần nhớ lại tôi rất thú vị : những năm mới về Tây Nguyên, khi còn làm diễn viên Đoàn ca múa Dak Lak, tôi kiêm cả việc dẫn chương trình. Sau đêm biểu diễn cho một hội nghị ở thị trấn Gia Nghĩa (bây giờ là thị xã, thuộc tỉnh Dak Nông), ban tổ chức chiêu đãi cả đoàn bữa ăn khuya. Có một vị khách đến bên tôi và nói: “Không ngờ đến Tây Nguyên lại gặp đồng hương Hà Nội”. Khi biết tôi quê ở Buôn Ma Thuột, anh ấy cứ hồ nghi mãi vì “chị có một giọng Hà Nội rất chuẩn đấy”. Vâng ! Đó là Hà Nội ban cho mà.
Tôi tự coi mình là người được số phận dành cho nhiều may mắn :
- Trở về với Tây Nguyên, bằng chức năng nghề nghiệp của hoạt động văn hóa lẫn phát thanh, đã được hưởng ánh sáng tâm hồn, con người và văn minh nương rẫy của vùng đất cao nguyên lộng gió.
-Tuổi thanh xuân được gắn bó với Hà Nội, chiếc nôi của nền văn minh Sông Hồng.
- Hồn nhiên lặn ngụp sâu trong văn hóa chùa chiền phái tiểu thừa miền sông nước với nhiều lần háo hức đưa con cháu về quê nội là vùng Khơmer Nam Bộ…
Cả ba miền đất nước đã trao cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất chứa trong tầng sâu thẳm của ngàn năm văn hóa Việt. Đặc biệt là Hà Nội, nơi mà mỗi tháng, mỗi năm, thông qua những người thầy, người bạn, nâng tầm hiểu biết của tôi về văn hóa dân gian thêm đầy đặn và vững vàng. Nếu không làm được gì để góp một phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống ấy, là do chính tôi kém tài mà thôi.
Tuổi thơ và học vấn của tôi gắn bó với Hà Nội. Không chỉ anh chị em tôi, mà cả nhiều thế hệ cán bộ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên lứa tuổi chúng tôi tập kết ra Bắc thuở ấy chắc sẽ không bao giờ quên hương tám xoan thoang thoảng trong những gốc rạ, giữa buổi trưa giang nắng chang chang bắt cua trên cánh đồng Mễ Trì. Hàng phi lao xanh rì rào hát ca trong gió suốt dọc đường từ Phùng Khoan vào trường, do chính bàn tay lũ trẻ chúng tôi năm 1960, trước khi chính thức rời vùng ven con sông Hồng đỏ ngầu phù sa (Gia Thượng, Gia Lâm) về, ươm trồng từ những bầu cây bé tý. Con đường ấy đã chứng kiến bao lứa đôi nên duyên của cả ba khối trường : cán bộ dân tộc miền núi, đại học Tổng hợp và đại học Ngoại ngữ, rồi lại trìu mến vẫy lá tiễn lớp lớp chúng tôi lớn lên, tỏa đi các trường chuyên nghiệp, nhận lấy kiến thức, với ước mong mai về xây dựng quê hương Tây Nguyên .
Hà Nội, những tối cuối tuần chúng tôi được các chú đưa ra vườn hoa nơi đặt tượng đài Lý Thái Tổ hiện nay, nghe dàn kèn hòa tấu những bản nhạc cổ điển. Những buổi chiều rời trường Chu Văn An, tôi và Phương Trâm (em gái của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm) lang thang trong vườn ươm dọc đường Thụy Khê ngắm cảnh rồi không thể cưỡng lại được việc bẻ trộm những bông hoa thược dược to như những chiếc bát, Phương thích màu tím, còn tôi lại ưa màu vàng. Những đêm sau mưa từ trường phổ thông cấp II Trung Liệt, sau này là cấp III Trưng Vương về muộn, hương hoa sữa mát dịu, ru tâm hồn tôi trải dài trong những câu hát, theo vòng quay của bánh xe đạp thong thả lăn suốt con đường từ Đống Đa về tới Thanh Xuân. Tiếng chuông tàu điện leng keng không chỉ riêng trong ký ức của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, mà còn như nhắc tôi nhớ những ngày theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam ( nay là Viện Âm nhạc Hà Nội ) nhảy tàu ngang đường đầu Ô Chợ Dừa mỗi khi tan lớp do lo lỡ chuyến về nhà chậm... Nhớ cả xạc xào lá sấu đuổi nhau trên những đường phố mùa lá rụng; gốc cây bên hông Nhà hát Lớn lá vàng rực mùa thu, gợi đến một bức tranh Levitan…
Hà Nội, vườn hoa Quan Thánh là nơi tôi và người bạn đời tương lai đã trao nhận nụ hôn đầu rồi gắn bó bên nhau suốt cả cuộc đời riêng lẫn sự nghiệp bảo tồn văn hóa. Con đường Thanh Niên lộng gio mà năm nào học sinh miền Nam chúng tôi cùng khiêng đất đá đắp nên, ngày càng đẹp hơn trong mắt mọi người.
Hà Nội 1972, gần như cả Trường Âm nhạc Việt Nam từ nơi sơ tán đổ về để chứng kiến sự tan hoang của con phố Khâm Thiên thân quen, khiến câu hát “ tiếng dương cầm trong căn nhà đổ…” của Phú Quang vì thế mà càng quặn thắt trong tim.
Có nhiều bài hát ngợi ca Hà Nội, mà suốt cuộc đời làm diễn viên hay giáo viên thanh nhạc tôi đã từng cất lên: vô cùng hào hùng như “Người Hà Nội ” – Nguyễn Đình Thi, “ Hà Nội niềm tin và hy vọng” - Phan Nhân,
“Hà Nội linh thiêng hào hoa” – Lê Mây…Những ca khúc lãng mạn đến mê hoặc lòng người như “ Em ơi Hà Nội phố ” – Phú Quang – Phan Vũ, “ Hà Nội, trái tim hồng” – Văn Ký, “ Nhớ Hà Nội” – Hoàng Hiệp, “ Hà Nội mùa thu ” – Trịnh Công Sơn…Rạo rực đắm say, phới phới nhịp điệu trẻ của tuổi thanh xuân trong “ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” – Trương Quý Hải.
Ban cho tôi, không chỉ một lần duy nhất, vẻ đẹp trong suốt lấp lánh của tuổi thơ, mà còn cả tri thức ăm ắp cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống mà suốt đời tôi theo đuổi.
Như thế, làm sao tôi không nhớ, cho dẫu tháng năm vẫn đi về, Hà Nội tôi ơi!
Đường Thanh Niên - một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội. |
Điều này cũng dễ lý giải thôi. Bởi tôi đã lớn lên ở Hà Nội, từ lúc bắt đầu tại nhà số 13 Thụy Khê ngay sau khi rời ATK về ( năm 1955). Và chỉ thật sự rời Hà Nội năm 1979, sau ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Hơn nữa còn bởi Hà Nội đã cho tôi nhiều quá, không chỉ là tri thức suốt từ tiểu học đến hết hai chương trình đại học âm nhạc, mà còn có những điều lớn hơn thế nhiều, đối với tôi, một người đã dành hết phần đời còn lại làm công việc sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian.
Có một câu chuyện nhỏ mà mỗi lần nhớ lại tôi rất thú vị : những năm mới về Tây Nguyên, khi còn làm diễn viên Đoàn ca múa Dak Lak, tôi kiêm cả việc dẫn chương trình. Sau đêm biểu diễn cho một hội nghị ở thị trấn Gia Nghĩa (bây giờ là thị xã, thuộc tỉnh Dak Nông), ban tổ chức chiêu đãi cả đoàn bữa ăn khuya. Có một vị khách đến bên tôi và nói: “Không ngờ đến Tây Nguyên lại gặp đồng hương Hà Nội”. Khi biết tôi quê ở Buôn Ma Thuột, anh ấy cứ hồ nghi mãi vì “chị có một giọng Hà Nội rất chuẩn đấy”. Vâng ! Đó là Hà Nội ban cho mà.
Tôi tự coi mình là người được số phận dành cho nhiều may mắn :
- Trở về với Tây Nguyên, bằng chức năng nghề nghiệp của hoạt động văn hóa lẫn phát thanh, đã được hưởng ánh sáng tâm hồn, con người và văn minh nương rẫy của vùng đất cao nguyên lộng gió.
-Tuổi thanh xuân được gắn bó với Hà Nội, chiếc nôi của nền văn minh Sông Hồng.
- Hồn nhiên lặn ngụp sâu trong văn hóa chùa chiền phái tiểu thừa miền sông nước với nhiều lần háo hức đưa con cháu về quê nội là vùng Khơmer Nam Bộ…
Cả ba miền đất nước đã trao cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất chứa trong tầng sâu thẳm của ngàn năm văn hóa Việt. Đặc biệt là Hà Nội, nơi mà mỗi tháng, mỗi năm, thông qua những người thầy, người bạn, nâng tầm hiểu biết của tôi về văn hóa dân gian thêm đầy đặn và vững vàng. Nếu không làm được gì để góp một phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống ấy, là do chính tôi kém tài mà thôi.
Tuổi thơ và học vấn của tôi gắn bó với Hà Nội. Không chỉ anh chị em tôi, mà cả nhiều thế hệ cán bộ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên lứa tuổi chúng tôi tập kết ra Bắc thuở ấy chắc sẽ không bao giờ quên hương tám xoan thoang thoảng trong những gốc rạ, giữa buổi trưa giang nắng chang chang bắt cua trên cánh đồng Mễ Trì. Hàng phi lao xanh rì rào hát ca trong gió suốt dọc đường từ Phùng Khoan vào trường, do chính bàn tay lũ trẻ chúng tôi năm 1960, trước khi chính thức rời vùng ven con sông Hồng đỏ ngầu phù sa (Gia Thượng, Gia Lâm) về, ươm trồng từ những bầu cây bé tý. Con đường ấy đã chứng kiến bao lứa đôi nên duyên của cả ba khối trường : cán bộ dân tộc miền núi, đại học Tổng hợp và đại học Ngoại ngữ, rồi lại trìu mến vẫy lá tiễn lớp lớp chúng tôi lớn lên, tỏa đi các trường chuyên nghiệp, nhận lấy kiến thức, với ước mong mai về xây dựng quê hương Tây Nguyên .
Hà Nội, những tối cuối tuần chúng tôi được các chú đưa ra vườn hoa nơi đặt tượng đài Lý Thái Tổ hiện nay, nghe dàn kèn hòa tấu những bản nhạc cổ điển. Những buổi chiều rời trường Chu Văn An, tôi và Phương Trâm (em gái của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm) lang thang trong vườn ươm dọc đường Thụy Khê ngắm cảnh rồi không thể cưỡng lại được việc bẻ trộm những bông hoa thược dược to như những chiếc bát, Phương thích màu tím, còn tôi lại ưa màu vàng. Những đêm sau mưa từ trường phổ thông cấp II Trung Liệt, sau này là cấp III Trưng Vương về muộn, hương hoa sữa mát dịu, ru tâm hồn tôi trải dài trong những câu hát, theo vòng quay của bánh xe đạp thong thả lăn suốt con đường từ Đống Đa về tới Thanh Xuân. Tiếng chuông tàu điện leng keng không chỉ riêng trong ký ức của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, mà còn như nhắc tôi nhớ những ngày theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam ( nay là Viện Âm nhạc Hà Nội ) nhảy tàu ngang đường đầu Ô Chợ Dừa mỗi khi tan lớp do lo lỡ chuyến về nhà chậm... Nhớ cả xạc xào lá sấu đuổi nhau trên những đường phố mùa lá rụng; gốc cây bên hông Nhà hát Lớn lá vàng rực mùa thu, gợi đến một bức tranh Levitan…
Hà Nội, vườn hoa Quan Thánh là nơi tôi và người bạn đời tương lai đã trao nhận nụ hôn đầu rồi gắn bó bên nhau suốt cả cuộc đời riêng lẫn sự nghiệp bảo tồn văn hóa. Con đường Thanh Niên lộng gio mà năm nào học sinh miền Nam chúng tôi cùng khiêng đất đá đắp nên, ngày càng đẹp hơn trong mắt mọi người.
Hà Nội 1972, gần như cả Trường Âm nhạc Việt Nam từ nơi sơ tán đổ về để chứng kiến sự tan hoang của con phố Khâm Thiên thân quen, khiến câu hát “ tiếng dương cầm trong căn nhà đổ…” của Phú Quang vì thế mà càng quặn thắt trong tim.
Có nhiều bài hát ngợi ca Hà Nội, mà suốt cuộc đời làm diễn viên hay giáo viên thanh nhạc tôi đã từng cất lên: vô cùng hào hùng như “Người Hà Nội ” – Nguyễn Đình Thi, “ Hà Nội niềm tin và hy vọng” - Phan Nhân,
“Hà Nội linh thiêng hào hoa” – Lê Mây…Những ca khúc lãng mạn đến mê hoặc lòng người như “ Em ơi Hà Nội phố ” – Phú Quang – Phan Vũ, “ Hà Nội, trái tim hồng” – Văn Ký, “ Nhớ Hà Nội” – Hoàng Hiệp, “ Hà Nội mùa thu ” – Trịnh Công Sơn…Rạo rực đắm say, phới phới nhịp điệu trẻ của tuổi thanh xuân trong “ Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” – Trương Quý Hải.
Ban cho tôi, không chỉ một lần duy nhất, vẻ đẹp trong suốt lấp lánh của tuổi thơ, mà còn cả tri thức ăm ắp cho sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống mà suốt đời tôi theo đuổi.
Như thế, làm sao tôi không nhớ, cho dẫu tháng năm vẫn đi về, Hà Nội tôi ơi!
Nhà văn
Linh Nga Niê Kđăm
Ý kiến bạn đọc