Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân Võ Văn Hải và những sáng tạo độc đáo từ hòn đá opal 1,5 tỷ đồng không bán

10:10, 10/07/2010

 

Nhắc đến nghệ nhân Võ Văn Hải, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak), không mấy ai có sở thích chơi đá cảnh lại không biết đến ông. Với óc sáng tạo và lòng yêu nghệ thuật, những hiện vật, mảnh đá thô mộc mà ông sưu tập được dường như có hồn và trở nên quý giá. Không chỉ dừng lại ở việc chơi đá cảnh, ông cũng là người đầu tiên nghĩ ra phương pháp sáng tạo mới trong sáng tác ảnh nghệ thuật: “ngoạn thạch vi ảnh”.
Từ niềm đam mê đá cảnh...
Sinh năm 1955 tại thị xã Gò Công (Tiền Giang), cuộc đời ông cũng có những lúc bôn ba, đặt chân trên hầu khắp các tỉnh, thành của miền Tây, Nam, Trung bộ với nghề bán bong bóng dạo.
 
Năm 1986, ông cùng gia đình chuyển vào Dak Lak lập nghiệp. Trong một lần tình cờ đọc được cuốn sách viết về nghệ thuật đá cảnh theo trường phái Suiseki của Nhật Bản, niềm đam mê được thắp lên trong ông; để rồi từ đó cứ mỗi mùa khô cạn, ông lại lặn lội khắp các rừng xa, suối sâu tìm đá đẹp, đem về kỳ cạch, tỉ mẩn tạo tác. Dưới đôi mắt nghệ thuật và bàn tay tài hoa của ông, những mảnh đá thô mộc của tự nhiên bỗng trở nên có hồn và sống động. Với ông, mỗi mảnh đá, dáng đá đều có sức sống riêng và thể hiện những triết lý, cảm quan về nhân sinh rất lớn. Ông đã từng viết trong cuốn sách của mình: “Thật ra, đá đầy sự cuốn hút nếu ta thấu hiểu được đá, đá đang đợi chờ sự hòa hợp và cảm thông của con người. Nhiều người vẫn xem đá như vật vô tri bất cảm, mấy ai hiểu được đá cũng có hồn của nó. Trong đá biết bao sự huyền bí. Chính cái tiềm ẩn ấy giúp ta thấu được cái nhân cách của đạo lý để giữ trọn vẹn tâm linh của một kiếp người, tránh sự cám dỗ đời thường…”.
 
Tài sản ông có được từ niềm đam mê đá cảnh là bộ sưu tập đá với hàng trăm hiện vật, chia làm 4 mảng đề tài: theo dòng lịch sử, chiến tranh – hòa bình, non sông đất Việt, xã hội – nhân văn. Tại các triển lãm, festival được tổ chức ở Dak Lak, Đà Lạt, Huế, TP. Hồ Chí Minh… bộ sưu tập của ông luôn được người xem thưởng lãm, đón nhận và giành nhiều giải thưởng. Nhiều người đến xem bộ sưu tập đá của ông thấy yêu thích đã hỏi mua, có người ngã giá với ông đến vài trăm triệu đồng, nhưng ông đều từ chối không bán. Vậy nhưng, ông lại làm bao người ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi đem tặng bộ sưu tập quý giá ấy cho Công viên Cây xanh ở Huế chỉ với mong muốn để mọi người cùng được thưởng lãm. Gần nửa đời người miệt mài với đá, bỏ ra bao công sức, thời gian, tiền của với bộ sưu tập để rồi lại tặng không như thế, nên cũng có người cho là ông hơi “gàn”. Nhưng ông chỉ cười hiền lành và nói lên quan điểm của riêng mình: “Nếu mình mang bán cho một cá nhân nào thì chỉ có người đó và gia đình, người thân của họ được chiêm ngưỡng; còn khi tặng cho TP. Huế thì không những người dân mà còn cả những người đến Huế du lịch cũng được thưởng lãm. Đá vốn là của tự nhiên, nào đâu phải của riêng ai mà sở hữu…”.

 

Ông Hải đang giới thiệu bức tranh được in ra từ hòn đá opal.
Ông Hải đang giới thiệu bức tranh được in ra từ hòn đá opal.

... Đến thực hiện một cuốn sách lập kỷ lục Guinness Việt Nam

 

Trong hành trình sưu tầm đá đẹp, năm 2003 “cơ duyên” đến với ông khi có người “gạ bán” cho ông hòn đá opal nặng 1,75 kg với giá 1,5 triệu đồng. Thực ra khi ấy giá trên thị trường của loại đá này chỉ khoảng vài chục nghìn đồng/1kg, nhưng bị vẻ đẹp tiềm ẩn của hòn đá “hớp hồn”, thôi thúc, ông bỏ tiền ra mua ngay. Cầm hòn đá mát lạnh, màu sắc đa dạng, ngay từ giây phút ấy, ông đã vui sướng và băn khoăn suy nghĩ nên sử dụng hòn đá này như thế nào để khai thác, phát huy hết vẻ đẹp của đá. Một người được coi là bậc thầy của hội họa đã từng trả ông 1,5 tỷ đồng để có được hòn đá opal nhưng ông nhất định không bán.
 
Thế rồi, với tài năng bẩm sinh và tâm huyết trong nhiều ngày trăn trở tìm hiểu, nghiên cứu, ông đã sáng tạo ra phương pháp mới trong sáng tác nghệ thuật: “ngoạn thạch vi ảnh”. Chỉ cần đặt đá lên máy scan, chọn góc độ với những hoa văn đẹp của đá, sau đó phóng to lên từ 400-600 lần là có được những bức ảnh. Công đoạn nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế để có một bức tranh ảnh đẹp, phải có con mắt thẩm mỹ, biết chọn đề tài, hoa văn của đá cùng màu sắc hài hòa… thì không phải ai cũng làm được. Ròng rã mày mò nghiên cứu suốt từ năm 2003 đến năm 2009, ông đã phát hiện được 243 bức tranh ảnh được sáng tạo chỉ từ hòn đá opal ấy. Ông tự tin trình bày công trình với các ban, ngành liên quan. Hiệu ứng kỳ diệu của sắc màu cùng những đường nét tự nhiên ẩn giấu trong đá tạo thành các tác phẩm nghệ thuật sinh động, lung linh đã ngay lập tức gây bất ngờ, ngạc nhiên và hứng thú cho người xem. Qua hội đồng nghệ thuật thẩm định, trong số 243 bức tranh ảnh đã có 88 bức được công nhận, phê duyệt đủ tiêu chuẩn và đưa đi trưng bày tại các triển lãm với tên gọi chung của bộ tranh ảnh là “Kỳ thạch vi ảnh ngoạn”.
Bìa của cuốn sách.
Bìa của cuốn sách.
Cũng từ 88 bức tranh được phát hiện và scan lại từ hòn đá opal ấy, suốt từ giữa năm 2009 đến nay, ông ấp ủ và âm thầm thực hiện ý tưởng làm cuốn sách lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Lại những tháng ngày kỳ công suy nghĩ, mày mò, tạo tác: lựa chọn chủ đề, chất liệu để in, tìm mua vật liệu, trình bày bố cục… Hiện công trình của ông đã cơ bản hoàn thành. Cuốn sách dày 168 trang, khổ 60 x 80 cm và có nhiều điều đặc biệt: Bìa sách được làm từ những nu cà phê, mà theo ông ước tính phải hết gần 1 khối nu cà phê, qua nhiều công đoạn luộc, xẻ rồi ráp lại mới có được. Tất cả các bức ảnh được in trên giấy dó (loại giấy dùng để in tranh Đông Hồ) được ông mua về, xử lý bồi thêm sao cho không quá dày, không quá mỏng mới có thể in được. Lời bình trên các bức tranh là những câu thơ do chính ông chiêm nghiệm, sáng tác. Những bức mang trong cuốn sách vừa mang tính lịch sử như các tác phẩm: Truyền thuyết Thăng Long, Mở cõi, Thánh Gióng, Cội nguồn, Cổ vật… hay những bức thể hiện dáng dấp, khát vọng của vùng đất Tây Nguyên như: Giai điệu Tây Nguyên, Cầu mưa, Cao nguyên, Buôn làng… cho đến những bức tranh gợi cảm, mang hơi thở cuộc sống: Bên song cửa, Bình minh, Bóng thời gian, Chờ, Chút nắng mùa đông, Cơn lốc, Dáng xưa, Đắc đạo…  
 
Thông điệp của người nghệ nhân mê đá muốn gửi gắm ngay từ việc lựa chọn chất liệu để làm sách: cà phê biểu tượng cho Dak Lak, Tây Nguyên; giấy dó biểu tượng cho truyền thống; ảnh được phát hiện và scan lại từ đá biểu trưng cho tấm lòng luôn hướng về cội nguồn. Hội tụ tất cả những ý tưởng, thông điệp ấy, ông chọn tựa đề cho cuốn sách là “Hà Nội trong lòng Tây Nguyên”. Đây là công trình ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và ông hy vọng cuốn sách này sẽ lập kỷ lục Guinness Việt Nam.

 

 

Lan Anh – Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc