Multimedia Đọc Báo in

Mai Châu – nhận diện Tây Bắc

10:25, 08/07/2010

 “Tây Bắc đẹp không cầm lòng được, đi là thích mê ly”, tôi chào mời bạn thế trước khi bắt đầu chuyến đi Tây Bắc. Đích đến đầu tiên của ngày là thung lũng Mai Châu – với bản làng của người Thái trắng.

Tạm biệt thành phố còn đang ngái ngủ, lũ chúng tôi, tỉnh như sáo, hớn hở đón chào hành trình khám phá. Đường đi Tây Bắc giờ đã đẹp hơn rất nhiều. Bên cạnh những bản làng nằm khép nép bên đường, người ta dễ dàng nhận thấy những thị tứ thị trấn mới đã hình thành. Mai Châu cách thành phố Hòa Bình khoảng 90km. Tạm biệt gió từ núi, tạm biệt những con đường ngoằn ngoèo, xe xuống thung lũng Mai Châu. Điểm dừng chân của chúng tôi là nhà sàn của gia đình bác Bình – bản Lác. Bản Lác là bản du lịch nổi tiếng ở Mai Châu. Ở đây người dân làm du lịch ngay trong những ngôi nhà của mình. Khách đến nghỉ được sống trong không khí ấm áp của gia đình, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Thái. Và hơn hết được nghe người Thái kể về truyền thống, văn hóa của dân tộc mình.

 

 

Mai Châu từ trên cao nhìn xuống
Mai Châu từ trên cao nhìn xuống
Người Thái vốn hiếu khách nên dù mang tính chất kinh doanh thì mỗi cử chỉ phục vụ, cách đón tiếp… đều thể hiện sự hồn hậu của tâm hồn họ. Theo lời bác trưởng bản kể về lịch sử hình thành khu dân cư của người Thái tại thung lũng Mai Châu: Người Thái thường hay chọn cho mình nơi để làm nhà là những thung lũng thuận tiện công việc canh tác – trồng lúa cũng như phù hợp với điều kiện sinh hoạt văn hóa của mình. Ngày xưa, rất xưa, gia đình người Thái nọ có ba anh em, khi trưởng thành,  họ chia nhau đi lập nghiệp. 3 anh em mỗi người một hướng trong đó người em tên Mai đi về phía Tây Bắc. Sau rất nhiều ngày đi rừng, người em  tìm thấy khu vực thung lũng có khoảng đất rộng bằng phẳng, có sông, suối,… nên đã quyết định ở lại lập nghiệp. Và thung lũng có tên là Mai Châu từ đó.

 

Còn nước của người Thái
Còn nước của người Thái
Với tính cần cù, chịu khó, đôi bàn tay khéo léo nên khi tới Mai Châu hay bất cứ khu vực nào của người Thái thì các sản phẩm thổ cẩm được người ta để ý nhiều nhất. Trên cả quãng đường đi, bạn tôi cứ tò mò hỏi về chiếc khăn piêu của cô gái Thái. Ngoài công việc đồng áng, phục vụ kinh doanh du lịch thì người phụ nữ Thái vẫn giữ thói quen dệt vải. Nhà nào cũng có khung dệt. Để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như đem dấu ấn văn hóa của mình vào từng sản phẩm nên hình ảnh các bà, các chị chiều chiều bên khung dệt khiến bạn cảm thấy cuộc sống ở nơi đây mọi giá trị văn hóa còn được lưu giữ... Không chỉ dệt khăn, người phụ nữ ở đây còn sáng tác ra các sản phẩm khác như vỏ gối, rèm cửa mang đậm nét hoa văn dân tộc Thái. Những hình khối tượng trưng trời, đất, những họa tiết hoa văn thể hiện đời sống văn hóa tinh thần kết hợp hài hòa, ấn tượng, đẹp mắt khiến bạn không thể không nghĩ tới mua ngay một tấm về treo trang trí trong phòng làm việc hay làm rèm cửa sổ nơi tiếp khách…

Các sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn đặc sắc
Các sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn đặc sắc
Mải ngồi trao đổi về các họa tiết hoa văn, cách khâu, cách dệt với các bà các chị trời tối lúc nào không hay. Bữa tối đã được chủ nhà dọn ra thịnh soạn. Trong không khí trong lành của bản làng vùng cao, ngồi giữa nhà sàn uống rượu Mai Hạ với cá sông Đà, măng rừng luộc chấm muối vừng và cùng nghe chuyện Mai Châu khiến người ta khó quên. Mở đầu bữa cơm, bao giờ chủ nhà cũng đại diện gia đình mời rượu khách. Cách uống rượu của người Thái rất đặc biệt. Mỗi người phải uống đủ hai chén rượu, tượng trưng cho đôi mắt để thể hiện sự tin tưởng, hết mình trong mối thân tình giữa chủ và khách. Lúc đó, khoảng cách giữa chủ và khách nhanh chóng tan biến chỉ còn lại những người bạn cùng nhau thưởng thức bữa cơm gia đình, chia sẻ với nhau câu chuyện của những người anh em… 

Điều cuốn hút du khách đến với các bản du lịch văn hóa ở Mai Châu còn là những điệu múa sạp. Múa sạp của người Thái nói riêng, các buổi văn nghệ của đồng bào dân tộc miền Bắc nói chung thường chỉ trong những ngày lễ hội, tết hay ở các phiên chợ.... Nhưng ở Mai Châu bây giờ mỗi ngày đều là ngày hội, bởi lẽ du khách trong, ngoài nước luôn chọn nghỉ một đêm ở Mai Châu trong hành trình khám phá Tây Bắc của mình. Từ chập tối, tiếng trống cái báo hiệu nhà có biểu diễn văn nghệ đã khiến không khí trong bản thêm rộn ràng. Khách của các gia đình đều tập trung đến nhà có văn nghệ để chung vui. Dường như cuộc sống, sinh hoạt, chuyện nương rẫy đều được tái hiện một cách sinh động trong buổi biểu diễn văn nghệ ấy. Say sưa trong lời ca, điệu múa, du khách phiêu diêu trên những cánh đồng lúa chín, khi lại say sưa bên khung dệt, rồi đứng dậy hòa mình vào điệu múa sạp tự bao giờ… Không phân biệt khách hay chủ, người lớn, hay trẻ con, hay bạn đến từ nước nào… mọi người cùng nắm tay nhau nhảy sạp. Sự phấn khởi, niềm vui hòa đồng như được thăng hoa khiến chẳng ai muốn rời xa.

Một sớm Mai Châu
Một sớm Mai Châu
Chia tay khi đêm văn nghệ kết thúc, bạn chìm vào giấc ngủ tự lúc nào không hay. Một giấc ngủ thật sâu, thật nồng để tận sáng hôm sau mới cảm nhận thật rõ cảm giác say, bồng bềnh của người uống một chút rượu Mai Hạ và nhảy sạp. Thói quen dậy muộn của người thành phố chợt bị lãng quên vì buổi sáng rất thanh bình. Sương sớm cứ ùa qua ô cửa nhà sàn. Khung cảnh bản làng khi ẩn khi hiện trong làn sương ấy. Còn vẹn nguyên cảm giác hào hứng của đêm nhảy sạp cùng với cảm giác lâu lắm mới được chạm vào thiên nhiên, chạm vào buổi sáng không có ồn ào tiếng chuông báo thức, tiếng xe cộ và những vội vã, chúng tôi tấp tểnh đi dạo. Để mặc sương bay trên đầu, quấn lấy người, nước sương trên cỏ làm ướt hết chân, chúng tôi băng qua cánh đồng lúa trong thung lũng khi trời còn mờ ảo. Cảm giác những ngày tuổi thơ chơi trò trận giả khi đi chăn trâu, cắt cỏ ùa về khiến bạn xao xuyến. Miên man nghĩ, miên man mơ mộng chúng tôi đã đi hết cánh đồng tự khi nào. Con đường rải đá vào bản đã mở ra trước mắt. Từ sáng sớm các bà, các chị đã chuẩn bị cơm lam phục vụ du khách. Véo miếng cơm lam còn âm ấm, chấm với chút muối vừng, nhai thật kỹ, ôi chao, ngọt đến tận cùng của lúa gạo, của tre nứa, của lửa, của vừng lạc, của muối cứ hòa quyện vào nhau....Thế mới biết cơm lam của người Thái nổi tiếng ngon, dân dã mà vô cùng tinh túy. Ngoài đặc sản cơm lam, người Thái còn nổi tiếng với món xôi nếp, thịt gà xé chấm muối vừng trộn hạt mắc khén (hạt tiêu rừng). Hương vị thơm đậm mùi núi rừng của hạt mắc khén khiến vị của nó thật đặc biệt. Một miếng nếp nương với chút  thịt gà chấm muối mắc khén sẽ khiến bạn muốn ăn thêm miếng nữa, miếng nữa…

Nam

 

 


Ý kiến bạn đọc