Multimedia Đọc Báo in

Phác thảo Văn học – Nghệ thuật Dak Lak 20 năm qua

17:04, 10/09/2010

Hai mươi năm trước cũng những ngày sôi động kỷ niệm mùa thu Cách mạng và ngày Quốc khánh lần thứ 45, tại hội trường HĐND và UBND tỉnh Dak Lak đã diễn ra sự kiện chính trị trọng đại đối với những người làm văn nghệ, đó là Đại hội thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Dak Lak.

Một sự trùng hợp lý thú, cũng có 45 hội viên ban đầu, kết thành đội ngũ trong một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tự nguyện làm người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng.

Nhớ lại thuở ban đầu, kinh phí còn eo hẹp, phương tiện làm việc, đi lại còn hạn chế, đội ngũ còn mỏng nhưng theo thời gian mà lớn mạnh dần. Có thể khẳng định thế hệ đầu tiên là những người thật sự chung lưng đấu cật, thật sự tâm huyết: Từ một vùng đất, vì một vùng đất, vì một nền VHNT Dân tộc – Hiện đại, gồng mình lên làm nền tảng cho thế hệ mai sau tiến bước. Đến nay số hội viên đã tới 191 người (đấy là chưa kể số hội viên làm nòng cốt tách về tỉnh Dak Nông năm 2004).

Sức mạnh, người đông nên chia thành các chi hội. So với các tỉnh, thành có bề dày về hoạt động VHNT, tỉnh Dak Lak chỉ còn thiếu chi hội điện ảnh. Có hai Chi hội cơ sở là Krông Năng, Krông Pak. Chính từ đội ngũ đông đảo nên hoạt động sôi nổi và có chiều sâu. Hội đã tổ chức các đợt thâm nhập thực tế ở trong tỉnh hoặc đi sáng tác ngoài tỉnh. Cử đầy đủ hội viên dự các trại sáng tác của Ủy ban Liên hiệp Hội VHNT và các hội chuyên ngành. Qua các trại, nghiệp vụ nâng dần cùng với việc được giao lưu, học hỏi đã có nhiều bước chuyển trong sáng tạo nghệ thuật, nhiều tác phẩm đã được công chúng đón nhận, vượt ra ngoài phạm vi của tỉnh. Các tác phẩm đã được chọn in vào tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin của Hội, để tạp chí mang dấu ấn riêng của mình, là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT được sinh ra và trưởng thành từ vùng đất Dak Lak. Lúc đầu còn thưa thớt, vài tháng mới có một số dày 24 trang, được cải tiến dần đến năm 1994 mỗi tháng một số, dày 80 trang và được duy trì như hôm nay.

Việc chăm lo đến đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số và bồi dưỡng thế hệ tương lai là một mặt mạnh của Hội VHNT Dak Lak. Các chi hội hầu như đều có hội viên người dân tộc thiểu số tham gia. Mở trại sáng tác cho học sinh liên tục 20 mùa hè. Những năm đầu xuất bản mang tên Mầm non cao nguyên, Bên hàng phượng vĩ. Từ năm 1994 mang tên Hạ xanh. Năm 2002 trở đi, các năm chẵn mở trại riêng cho học sinh dân tộc thiểu số mang tên Hương rừng. Đã xuất bản 16 tập Hạ xanh, 4 tập Hương rừng. Hội giúp đỡ, phối hợp với huyện Cư M’gar mở trại Núi hoa liên tục 15 năm qua. Tính theo đơn vị quận, huyện thì đây là đơn vị duy nhất trong cả nước đã làm được.

Tuy thành lập muộn nhưng phát triển nhanh, đồng đều, được tín nhiệm của Ủy ban Liên hiệp và các hội chuyên ngành Trung ương nên từ năm 1998, Hội đã đăng cai hội nghị VHNT các tỉnh Tây Nguyên lần thứ I, sau đó mới xoay vòng lần lượt. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức Triển lãm Mỹ thuật miền Trung và Tây Nguyên, Dak Lak cũng là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên đăng cai. Đến năm 2010, Dak Lak cũng là một trong số ít tỉnh thành đã đăng cai Triển lãm khu vực lần thứ ba. Cũng năm 1998, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị Văn học Tây Nguyên và các tác giả trong cả nước từng viết về Tây Nguyên đã về dự. Đến nay vẫn chưa có hội nghị lần thứ hai. Từ đó về sau liên tục mở triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của khu vực và của tỉnh, mở cả triển lãm theo chủ đề, đề tài của nhóm tác giả hoặc cá nhân. Hàng trăm tác phẩm đã được xuất bản thành sách hoặc băng đĩa ca nhạc. Nhiều tác phẩm có độ dày số trang mà trước kia chưa có như tiểu thuyết, trường ca, kịch bản phim truyện. Hàng trăm tác phẩm được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam hay các hội chuyên ngành Trung ương. Riêng nhiếp ảnh đã đoạt hàng trăm giải thưởng ở ngoài nước. Hàng trăm huy chương vàng qua các hội diễn. Giải thưởng VHNT  Chư Yang Sin của tỉnh lần thứ I đã trao giải tôn vinh cho 9 người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp VHNT tỉnh và 42 giải cho các tác phẩm xuất sắc.

Trưng bày các tác phẩm đoạt giải tại Lễ trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ I. (Ảnh: Lan Anh)
Trưng bày các tác phẩm đoạt giải tại Lễ trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ I. (Ảnh: Lan Anh)

Trong thư gửi các họa sĩ ngày 10 tháng 12 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Những người làm văn nghệ Việt Nam luôn tâm niệm lời dạy ấy. Ở một tỉnh miền núi có tới 44 dân tộc anh em chung sống như Dak Lak càng phải đoàn kết để làm tốt nhiệm vụ người chiến sĩ văn hóa, giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa của từng dân tộc, nhất là dân tộc đã sinh sống lâu đời ở Dak Lak để mang nét riêng trong cá tính sáng tạo về một vùng đất, mới mong đến được sông dài, biển rộng.

Trong ngày vui này, xen chút hoài niệm tưởng nhớ các văn nghệ sĩ đã đi xa, có chút gì đó trống vắng trong lòng. Nhớ đến nhạc sĩ Kơ Pa Púi, Trưởng Ban vận động thành lập Hội lần thứ I (1982-1988), nhà thơ Hoàng Mạnh Thường, Chánh văn phòng Hội 1990-2000, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Y Thí M’lô, Ủy viên Ban chấp hành khóa I, nhà thơ Vũ Nhật Hồng, Trưởng ban Kiểm tra khóa I cùng các văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Y Dơn, Văn Tấn, Đức Hùng, Niê Sơn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Cảnh Dương, họa sĩ Viết Thắng, kiến trúc sư Huỳnh Sum cùng các nhà văn, nhà thơ Nhị Hà, Đồng Mỹ, Thảo Điền, Hoàng Nam, Đoàn Nam… Những người ra đi để lại niềm tiếc thương cho chúng ta, nhưng họ đã cháy hết mình, dù ít dù nhiều cũng gửi lại cho đời những tác phẩm có giá trị nhất định.

4 tập thể có thành tích xuất sắc trong sáng tác Văn học - Nghệ thuật được UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội.
4 tập thể có thành tích xuất sắc trong sáng tác Văn học - Nghệ thuật được UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội.

Văn nghệ sĩ Dak Lak cùng Ban chấp hành các khóa đã để lại nhiều bài học quý báu cho các Ban chấp hành khóa sau tiếp nối, động viên sức sáng tạo cao nhất của mỗi người theo đúng định hướng văn nghệ của Đảng, trước mắt là năm 2010 với nhiều ngày kỷ niệm trọng đại như 65 năm ngày Quốc khánh, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tất cả đều tâm niệm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sáng tạo và sáng tạo không ngừng, mong đến gần hơn với Chân – Thiện – Mỹ.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc